Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Hội Luật gia Việt Nam được tổ chức vào tháng 9.2019, đến nay đã đi qua hơn một nửa thời gian nhiệm kỳ khóa XIII, để phấn đấu đạt mục tiêu và các chỉ số cụ thể, hoàn thành các nhiệm vụ mà đại hội đã đề ra, các cấp hội và toàn thể hội viên đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nhất là trong 2 năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Các cơ quan Lãnh đạo của Trung ương Hội và các cấp hội đã kịp thời có hướng dẫn, định hướng để các cấp hội, đơn vị trực thuộc chuyển đổi hình thức và phương thức hoạt động phù hợp, thích ứng với tình hình.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra chủ trương tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật, tiếp cận công lý của người dân và doanh nghiệp. Phát triển mạnh thị trường dịch vụ pháp lý, các hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, bổ trợ tư pháp và các thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án. "Đây là cơ sở chính trị quan trọng để Hội Luật gia Việt Nam (Hội) đẩy mạnh hoạt động trong các lĩnh vực công tác" - TS. Nguyễn Văn Quyền khẳng định.
Trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế có những yếu tố khó dự đoán gây ảnh hưởng bất lợi đến các mặt công tác của Hội, Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 1.7.2022 của Bộ Chính trị được ban hành đã mở ra nhiều cơ hội với các giải pháp quan trọng, tạo điều kiện cho Hội phát huy thế mạnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại hiện nay, đẩy mạnh các mặt công tác, và cũng đặt ra những nhiệm vụ mới đối với Hội trước kỳ vọng của Đảng về vai trò của Hội trong việc đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam Trần Công Phàn khẳng định, trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của các cấp hội luật gia được đẩy mạnh, chất lượng các hoạt động được nâng cao, nội dung các hoạt động thiết thực, bám sát yêu cầu thực tế và đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Về công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, Hội tham gia tư vấn giải quyết khiếu nại và hòa giải ở cơ sở ngày càng trở nên hiệu quả, thực chất, hướng về cơ sở, đặc biệt chú ý đến các đối tượng chính sách, người nghèo và người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, Hội Luật gia Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, giám sát thực hiện pháp luật và công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế; công tác thông tin, tuyên truyền báo chí, xuất bản và nghiên cứu khoa học; công tác thi đua khen thưởng.
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh, những đóng góp của Hội Luật gia Việt Nam đã góp phần thắng lợi, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, thực hiện thắng lợi Nghị Quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Trưởng ban Nội chính Trung ương cho rằng, dù còn nhiều khó khăn, thách thức đặc biệt là đại dịch Covid-19 phức tạp nhưng Hội Luật gia Việt Nam đã nổ lực cố gắng, sáng tạo, đã tổ chức cách hoạt động với nhiều hình thực phong phú đa dạng, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, Hội đã tham gia xây dựng chính quyền, tham gia xây dựng chính sách pháp luật được đẩy mạnh, chất lượng được nâng cao, góp phần tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật của nhà nước; Tham gia giải quyết khiếu nại, hòa giải cơ sở ngày càng hiệu quả; Công tác phổ biến pháp luật có nhiều đổi mới góp phần thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; Tham gia công tác cải cách tư pháp, cái cách hành chính...