Tuy nhiên bệnh lý đó có tên khoa học là viêm bao gân de Quervain, cũng được gọi là bệnh de Quervain hay hội chứng de Quervain.
Theo ThS.BS Đinh Thu Hằng và ThS.BS Đỗ Việt Anh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh,Bệnh viện HN Việt Đức, đây là tình trạng viêm dày bao gân, mạc hãm các gân duỗi ngắn và dạng dài ngón cái ở cổ tay – phần gần ngón cái, gây đau ở đoạn gần ngón tay cái và ở cẳng tay.
Nguyên nhân của căn bệnh là công việc dùng nhiều ngón cái, công việc lặp đi lặp lại; Cú đánh trực tiếp vào ngón tay cái; Chơi game; Công việc như làm vườn hoặc chơi thể thao bằng vợt; Tình trạng viêm như viêm khớp dạng thấp.
Bất cứ ai cũng có thể bị nhưng những điều dưới đây làm tăng khả năng bị hơn: Tuổi: Người lớn từ 30 đến 50. Phụ nữ có nguy cơ cao hơn nam giới từ 8 đến 10 lần.
Những người nuôi con nhỏ, thường xảy ra ngay sau khi sinh con khi bạn bế con nhiều trong thời gian dài; hoặc di chuyển cổ tay nhiều lần, dù là để giải trí hay vì công việc.
Triệu chứng: Đau dọc mặt sau ngón tay cái, ở trên đường đi của hai gân cơ duỗi ngón cái ngắn và dạng ngón cái dài. Sưng và đau ở gốc ngón tay cái. Sưng và đau ở một bên cổ tay. Bắt đầu từ từ hoặc đột ngột. Đau có thể lan xuống ngón tay cái hoặc lên cẳng tay. Có thể khó và đau khi cử động ngón tay cái của bạn, đặc biệt là khi bạn cố gắng véo hoặc cầm nắm đồ vật.
Bác sĩ sẽ kiểm tra bằng cách ấn lên mặt ngón tay cái của cổ tay bạn hoặc làm bài kiểm tra Finkelstein. Trường hợp nghi ngờ có thể làm thêm các thăm khám sâu hơn.
Trong chẩn đoán, bác sĩ có thể thực hiện như siêu âm, thường được dùng để chẩn đoán. Các dấu hiệu có thể thấy trên siêu âm: Dày bao gân, tụ dịch trong bao gân của các gân duỗi nhóm 1 bao gồm gân cơ duỗi ngón cái ngắn và dạng ngón cái dài. Tăng sinh mạch phần mềm dưới da quanh gân trên Doppler màu. Trong trường hợp viêm gân: Tăng kích thước và phù nề gân duỗi dạng ngón cái ở ngang mức đầu dưới xương quay (ít gặp).
Cộng hưởng từ (MRI): MRI là phương pháp rất nhạy, đặc hiệu và hữu ích để phát hiện bệnh nhẹ mà siêu âm có thể không chẩn đoán được. Hình ảnh trên MRI bao gồm: Viêm bao gân; Dày, tụ dịch trong bao gân; Phù nề dưới da quanh gân; Ngấm thuốc mạnh phần mềm dưới da quanh gân. Viêm gân: Gân tăng kích thước, tăng tín hiệu trên các chuỗi xung T2 xóa mỡ. Rách dọc gân: Đường tăng tín hiệu trên T2W, hay gặp ở gân dạng dài ngón cái.
Để giảm đau và viêm khi bạn cử động ngón tay cái và ngăn tái phát, bác sĩ sẽ thực hiện các bước: Thuốc giảm đau chống viêm non-steroid; Tiêm steroid vào bao hoạt dịch quanh gân: có thể có tác dụng trong 6 tháng; Nẹp/ băng cố định: giúp giữ cố định ngón tay cái và cổ tay của bạn. Bạn sẽ đeo nó 24 giờ/ngày trong 4 đến 6 tuần.
Ngoài ra cần tập các bài tập để tăng cường sức mạnh ở cổ tay, bàn tay và cánh tay.
Nếu những phương pháp điều trị này không có tác dụng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật, giải phóng vỏ bao gân để gân có thể di chuyển trơn tru.
Các biện pháp hỗ trợ tại nhà và thay đổi lối sống: nếu chưa thể đến bệnh viện hãy thử các phương pháp này tại nhà như: Chườm đá khu vực này để giảm viêm. Ngừng làm bất cứ điều gì khiến nó trở nên tồi tệ hơn. Tránh chuyển động lặp đi lặp lại và cử động véo bằng ngón tay và ngón cái. Hãy đeo băng – nẹp cố định cổ tay nếu bác sĩ yêu cầu. Duy trì các bài tập.
Theo ThS.BS Đinh Thu Hằng và ThS.BS Đỗ Việt Anh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh,Bệnh viện HN Việt Đức, nếu không cần phẫu thuật, tay bạn có thể sẽ tốt hơn sau 4-6 tuần nếu cố định bằng băng nẹp, tập các bài tập thể dục và tránh các động tác gây kích thích gân.
Sau phẫu thuật cần mất một thời gian để phục hồi. Cơn đau và sưng của bạn sẽ sớm biến mất, nhưng vùng này có thể mềm và bớt sưng sau vài tháng. Bạn sẽ cắt chỉ sau 10 đến 14 ngày.
Sau đó, bạn sẽ bắt đầu lại vật lý trị liệu trong vòng 6 đến 8 tuần với các động tác kéo giãn để giúp gân của bạn vận động đúng cách, các bài tập để tăng cường cơ bắp và giữ cho các khớp của bạn ổn định.