Sự kiện hướng tới hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21.4, lan tỏa tinh thần hiếu học, chia sẻ tri thức, chia sẻ yêu thương trong nhà trường và cộng đồng dân cư.
Theo Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, đây là hoạt động thường niên nhằm khích lệ tinh thần tinh tấn, hiếu học trong tăng, ni sinh và tri ân đóng góp của Phật tử, cộng đồng doanh nghiệp luôn đồng hành với Học viện trong quá trình tu - học, giảng dạy.

Trải qua hơn hai nghìn năm trăm năm, những lời dạy và giáo lý của Đức Phật trong Tam tạng kinh luật luận là kho báu vô giá của văn hóa Phật giáo, văn hóa nhân loại. Đọc kinh Phật như là được tiếp xúc với pháp thân Phật để trưởng dưỡng thân tâm chúng ta mỗi ngày. Những lời pháp nhũ của Ngài như ánh dương soi chiếu cho chúng ta đi, như pháp lồ tươi mát cho tâm hồn của chúng sinh.
Hòa thượng Thích Thanh Quyết cho rằng, "giáo hóa cõi đời này không gì bằng dùng ngôn ngữ làm công cụ tuyên truyền; dẫn dắt người đời sau không gì sánh bằng viết sách bày tỏ chủ trương học thuyết của mình. Nửa bộ Luận ngữ có thể trị thiên hạ, Tư trị thông giám có thể biết được cổ kim, Nhị thập tứ sử biết được sự hưng vong của cả thiên hạ, Thánh điển Tam tạng thập nhị bộ trình bày chân lý vũ trụ nhân sinh".

Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, xem phát triển văn hóa đọc là động lực, là công cụ quan trọng để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24.2.2014, lấy ngày 21.4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; đồng thời ban hành Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
Với mong muốn lan tỏa tinh thần văn hóa đọc trong thầy cô, học sinh, Phật tử, Học viện Phật giáo Việt Nam đồng hành với Trường Tiểu học Nguyễn Siêu, Hà Nội, tổ chức trao tặng tủ sách Phật Quang cho Trường Tiểu học Cao Kỳ, Chợ Mới, Bắc Kạn; Trường Tiểu học Kim Đồng, xã Thượng Yên Công, TP. Uông Bí, Quảng Ninh; Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Sơn La.
Các đầu sách gồm: sách giáo khoa, sách tham khảo; sách nghiên cứu; sách văn học; sách về đời sống, văn hóa, nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế, làm giàu...

Thầy giáo Lê Việt Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Sơn La cảm ơn Hòa thượng Thích Thanh Quyết cùng chư tôn đức, tăng, ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam và Trường Tiểu học Nguyễn Siêu, Hà Nội.
Thầy Dũng cho biết, hiện nay nhiều trường học trên các địa bàn còn khó khăn, thiếu thốn cơ sở vật chất, trong đó có sách tham khảo, sách nghiên cứu... Tủ sách Phật Quang đến các trường học giúp học sinh tiếp cận kiến thức, nâng cao trình độ, lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường. Từ đó, hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Nhân dịp này, Hòa thượng Thích Thanh Quyết cũng kêu gọi 500 tăng, ni sinh Học viện và Phật tử, mỗi người cúng dường một cuốn sách để xây dựng tủ sách tại điểm sinh hoạt cộng đồng.