GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Cách thức đơn giản nhất để làm tốt Bài thi Đánh giá năg lực (ĐGNL) là các thí sinh hãy dành thời gian làm bài thi tham khảo trước ngày đăng ký dự thi.
Hàng năm, Trung tâm Khảo thí cung cấp đề thi tham khảo và bổ sung các câu hỏi mới vào ngân hàng đề. Việc làm thử đề thi tham khảo trước ngày thi giúp thí sinh làm quen với cấu trúc bài thi, dạng câu hỏi, tính toán thời gian cho mỗi câu hỏi để đưa ra lựa chọn thích hợp nhất.
Việc làm quen với đề thi tham khảo cũng sẽ giúp bạn giảm áp lực tâm lý khi làm bài thi chính thức. Ngoài ra, bạn cũng tích lũy được kinh nghiệm, hình thành kỹ năng luyện tập, cập nhật bổ sung kiến thức những phần chưa trả lời tốt”.
Thời gian làm bài thi từ từ 195 - 199 phút
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết, Bài thi ĐGNL học sinh THPT làm trên máy tính, thời gian từ 195 - 199 phút gồm 3 phần với các câu hỏi trắc nghiệm khách quan (lựa chọn đáp án) và câu hỏi điền đáp án về các lĩnh vực Toán học (50 câu hỏi, 75 phút), Văn học-Ngôn ngữ (50 câu hỏi, 60 phút), Khoa học tự nhiên - xã hội (50 câu hỏi, 60 phút). Phần 1 và phần 3 sẽ có thêm 1-3 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm.
Bài thi ĐGNL gồm 3 phần với các câu hỏi trắc nghiệm khách quan (lựa chọn đáp án) và câu hỏi điền đáp án về các lĩnh vực Toán học, Văn học/Ngôn ngữ, Khoa học tự nhiên - xã hội.
Lĩnh vực | Câu hỏi | Thời gian (phút) | Điểm tối đa | |
Phần 1. Tư duy định lượng | Toán học | 50 | 75 | 50 |
Phần 2. Tư duy định tính | Văn học - Ngôn ngữ | 50 | 60 | 50 |
Phần 3. Khoa học | Tự nhiên - Xã hội | 50 | 60 | 50 |
Hiện nay, bài thi ĐGNL của Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) chỉ thực hiện thi trên máy tính. Thí sinh làm bài lần lượt từ phần 1 đến phần 3. Trong mỗi phần có 50 câu hỏi chấm điểm nhưng vẫn có thể kèm thêm 1-3 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm nên bạn có thể bắt gặp một chủ đề nào đó có nhiều hơn 1 câu hỏi.
Các câu hỏi thử nghiệm được trộn vào các phần một cách ngẫu nhiên và thí sinh không biết là câu hỏi nào, vì thế thí sinh hãy làm hết khả năng để đạt kết quả tốt nhất. Kết quả làm bài của thí sinh sẽ góp phần tăng chất lượng câu hỏi chuẩn hóa ĐGNL của Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN. Các phần thi có câu hỏi thử nghiệm thời gian làm bài sẽ kéo dài thêm 2-4 phút.
Phương pháp làm bài thi Đánh giá năng lực
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo chia sẻ, với mỗi bài thi, đặc biệt là các bài thi sử dụng câu hỏi trắc nghiệm khách quan thì điều quan trọng là thí sinh phải kiểm soát tốt thời gian làm bài bằng cách phân phối thời gian đọc hiểu đầu bài, đọc hướng dẫn từng phần trước khi lựa chọn đáp án.
Với mỗi phần, hãy phân chia tổng thời gian của từng phần chia cho số câu hỏi của phần đó để xác định thời gian cần thiết phải hoàn thành tất cả các câu hỏi. Nếu có thể, tiết kiệm thời gian của từng câu hỏi để xem lại toàn bộ các câu hỏi, làm lại các câu hỏi thí sinh cảm thấy khó trong hợp phần đó trước khi chuyển sang phần kế tiếp.
Thời gian làm bài của mỗi phần được tính đủ để thí sinh kết thúc các câu hỏi. Tuy nhiên, nếu thí siiinh gặp phải một câu hỏi quá khó thì hãy làm câu hỏi tiếp theo sau đó trở lại câu hỏi đó nếu còn thời gian. Cần lưu ý là thí sinh đang làm bài ở phần nào thì không thể quay lại làm các câu hỏi ở phần trước đó.
Trước khi bắt đầu mỗi phần, đọc cẩn thận hướng dẫn trả lời. Hãy xem xét tất cả các câu trả lời và chọn đáp án thấy phù hợp nhất với câu hỏi. Các câu hỏi về toán học và khoa học tự nhiên cần tìm câu trả lời chính xác.
Thí sinh có thể làm nháp và lựa chọn đáp án mà bạn cảm thấy đúng nhất trong số các đáp án đã cho. Giám thị sẽ cho phép bạn sử dụng các máy tính thực hiện các phép toán đơn giản.
Nếu thí sinh không tìm thấy đáp án như đã tính, hãy đọc lại đề bài và xem lại tất cả các đáp án. Thí sinh phải hiểu chính xác câu hỏi đang hỏi điều gì. Một số câu hỏi đòi hỏi phải làm nháp, tính toán, suy luận để có đáp án đúng hay đáp án phù hợp nhất trong khi cũng có các câu hỏi khác có thể dễ dàng nhận ra và làm rất nhanh. Với các câu hỏi dễ cần kết thúc nhanh để dành thời gian cho các câu hỏi khó hơn. Sau khi hoàn thành câu hỏi dễ, hãy quay lại kiểm tra các câu hỏi khó trước khi chuyển sang làm phần tiếp theo.
Khi thí sinh quay lại với câu hỏi khó, hãy cố gắng phát huy tư duy logic để loại những đáp án không đúng. So sánh các câu trả lời đã chọn với các câu còn lại và tìm hiểu xem chúng khác nhau ở điểm gì? Sự khác biệt này có thể gợi ý cho thí sinh câu trả lời đúng. Hãy loại trừ các câu trả lời sai nhiều nhất có thể, sau đó có thể lựa chọn đoán câu hỏi dựa trên những mối liên hệ giữa đáp án và đầu bài.
Hãy cố gắng trả lời đủ tất cả các câu hỏi của bài thi
Điểm bài thi được tính dựa trên tổng số câu trả lời đúng, các câu trả lời sai không bị trừ điểm. Hãy cố gắng trả lời đủ tất cả các câu hỏi của bài thi trong khoảng thời gian cho phép của từng phần. Điểm bài thi sẽ hiện ra sau khi bạn kết thúc phần 3. Nếu thí siiinh không vi phạm quy chế thi, điểm hiện trên màn hình sẽ là điểm đạt được.
Bài thi Đánh giá năng lực thực hiện trên máy tính và biết điểm ngay sau khi làm bài nên không thực hiện quy trình phúc tra. Mọi thắc mắc của thí sinh (nếu có) được thực hiện công khai tại phòng thi. Sau khi đóng ca thi, đơn vị tổ chức thi không tiếp nhận phúc tra hay thắc mắc về ca thi.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nhấn mạnh: “Đa phần các trường đại học sử dụng kết quả bài thi ĐGNL có thể nhận hồ sơ theo tổng số điểm bài thi. Tuy nhiên, một số trường có thể có thêm các yêu cầu như điểm bài thi phần Khoa học (phần 3) phải đạt được một ngưỡng nhất định. Do đó, hãy cố gắng làm tất cả các câu hỏi mặc dù thế mạnh của thí sinh có thể chỉ là khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội”