Họa sĩ trẻ kể chuyện con giáp

Triển lãm "12 con giáp" của họa sĩ Đặng Việt Linh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đầu tháng 1.2025 thu hút sự quan tâm của nhiều người yêu nghệ thuật. Bộ tranh được thực hiện từ năm Quý Tỵ 2013 đến năm Ất Tỵ 2025, mang đến góc nhìn mới mẻ về hình tượng con giáp trong văn hóa Á Đông.

Tinh thần nhân văn, nhiệt thành

- Cảm hứng nào thôi thúc anh thực hiện bộ tranh con giáp suốt 12 năm qua?

- Từ nhỏ, tôi đã quan tâm đến con giáp và những câu chuyện kể về chúng. Tiếp xúc với mỹ thuật, tôi biết có rất nhiều nghệ sĩ châu Á, trong đó có một số danh họa Việt Nam như Nguyễn Tư Nghiêm cũng đã khắc họa 12 con giáp. Xem tranh của các họa sĩ gạo cội, tôi ngưỡng mộ, muốn nối tiếp con đường này. 12 năm qua, cứ vào độ chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, gắn với 3 thời điểm Tết Dương lịch, từ Tết Dương lịch đến Tết Âm lịch, khắc giao thừa khai bút đầu xuân, tôi lại vẽ con giáp của năm đó, gửi gắm tình cảm, ước mơ cho năm mới.

Họa sĩ Đặng Việt Linh

Họa sĩ Đặng Việt Linh

- Hình ảnh con giáp đã xuất hiện nhiều trong hội họa, anh tạo dấu ấn khác biệt như thế nào?

- Tôi muốn mọi người không chỉ xem tác phẩm mà còn suy ngẫm về cuộc sống và những giá trị nhân văn. Mỗi bức tranh mang dấu ấn riêng của từng năm, gắn với biến động trong đời sống xã hội qua sự soi chiếu, cảm nhận của cá nhân tôi. Chẳng hạn, năm Giáp Ngọ, tôi vẽ con ngựa ô có cánh như bay lên trên lớp sóng hình lưỡi liềm, mang thông điệp vượt qua gian khó để cất cánh. Năm Tân Sửu, tôi vẽ con trâu với đôi sừng to khỏe, trên nền đồi núi và đồng lúa thể hiện sự cần lao, nỗ lực xây dựng. Năm Quý Mão, tôi tạo hình con giáp như vị thần bảo hộ đang mỉm cười với đôi cánh thể hiện sự lạc quan.

Hay năm Ất Tỵ này, tôi vẽ con rắn gắn với niềm tin đất nước có nhiều đổi mới, nhiều thành tựu. 2025 cũng hứa hẹn một năm đặc biệt trên hành trình sáng tạo của tôi với chuyến lưu trú 3 tháng sắp tới ở Nhật Bản cùng nhiều dự án nghệ thuật đang chờ đón…

- Mỹ thuật tạo hình rắn không dễ, làm thế nào anh truyền tải được trọn vẹn những giá trị đó?

- Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta có nhiều chính sách mang tính bước ngoặt. Tôi cho rằng thời điểm này đánh dấu bước chuyển quan trọng cho sự phát triển của xã hội và mỗi cá nhân. Suy nghĩ ấy trở thành nguồn cảm hứng để tôi tạo hình con giáp ẩn ý về sự vươn mình. Rắn uốn mình mạnh mẽ tượng trưng cho tính dương, trên nền núi phía xa và hồ nước tượng trưng cho tính âm, biểu hiện hòa hợp âm - dương, trời - đất. Ở dưới có những bông hoa sen bừng nở cộng hưởng điều may mắn, bình an, mở ra một năm tốt đẹp.

Một bức tranh khác, tôi tạo hình một con rắn hổ mang đại diện cho tính dương, một con rắn đại diện cho tính âm, nối lại thành biểu tượng vô cực bay trên bầu trời sao lấp lánh, thể hiện sự không giới hạn. Tôi tin rằng trong bất cứ lĩnh vực nào, khi chúng ta bước ra ngoài giới hạn của bản thân, luôn đổi mới thì chắc chắn sẽ gặt hái thành công rực rỡ.

Tranh con giáp năm Ất Tỵ được Đặng Việt Linh vẽ gắn với niềm tin đất nước có nhiều đổi mới, thành tựu
Tranh con giáp năm Ất Tỵ được Đặng Việt Linh vẽ gắn với niềm tin đất nước có nhiều đổi mới, thành tựu

Xúc cảm trên chất liệu truyền thống

- Nhìn lại hành trình 12 năm họa con giáp mang lại cho anh điều gì?

- Triển lãm 12 con giáp như một dấu mốc để tôi soi chiếu bản thân, nhìn lại chặng đường đã đi. 12 năm qua, phong cách nghệ thuật của tôi có nhiều thay đổi. Hơn 30 tác phẩm với đầy đủ phong cách từ hiện thực đến trừu tượng, cô đọng... Có người hỏi sao không vẽ toàn bộ con giáp trong một năm để thống nhất phong cách, tuy nhiên nếu làm vậy họa sĩ không khác gì chạy deadline, không thể hiện hết trải nghiệm và suy nghĩ của mình qua từng năm. Ở đây, tôi đi một vòng con giáp tạo thành chuỗi tác phẩm thể hiện khái niệm về sự trường tồn và luân chuyển.

- Trong hơn một thập kỷ anh chỉ trung thành với chất liệu giấy dó, vì sao vậy?

- Tôi chọn giấy dó ngoài việc là chất liệu quen thuộc, nó còn gợi cho tôi nhiều cảm xúc về nét văn hóa Việt trong dòng chảy thời đại. Tôi thích thú vẽ trên giấy dó, từ vân giấy, độ xốp và mềm đều mang lại cảm xúc đặc biệt. Với bộ tranh con giáp, tôi vẽ mảng nhiều, thường là mảng đặc, do đó tôi sử dụng bột màu và acrylic. Thú vị là giấy dó có đặc tính hút rất lớn, làm cho màu xốp lên, tạo hiệu ứng cuốn hút cho bề mặt. Tuy nhiên, cái khó là giấy mỏng manh, không thể tẩy xóa, vì vậy trước khi vẽ, tôi thường phác thảo xong can lại lên giấy dó. Có những bức tranh mất rất nhiều thời gian vì phải chuẩn bị nhiều lớp phác thảo và chỉnh sửa liên tục.

Hình tượng rắn năm Ất Tỵ được vẽ theo biểu tượng vô cực

Hình tượng rắn năm Ất Tỵ được vẽ theo biểu tượng vô cực

- Nhìn vào tranh của anh có thể thấy nhiều yếu tố mang tính dân gian, cổ truyền. Anh chủ đích góp phần bảo tồn văn hóa Việt qua các tác phẩm của mình?

- Thực ra, dù bạn đi theo bất cứ phong cách, lối thể hiện nào thì cũng không bao giờ rời xa được dân tộc tính. Bạn là người Việt, ăn cơm, ăn rau, ăn cá, sống trong môi trường Việt thì thế nào chăng nữa vẫn mang chất Việt. Tôi may mắn lớn lên trong gia đình làm nghệ thuật, ông là đạo diễn sân khấu, bà là nghệ sĩ chèo, mẹ tôi là nghệ sĩ sơn mài, nên được tiếp xúc với văn hóa truyền thống từ bé. Tuy nhiên, tôi không muốn bó buộc phải bảo tồn truyền thống. Tranh của tôi không nhất thiết vẽ rồng phải giống rồng thời Lý hay thời Trần, vẽ hổ không cứ giống hình tượng hổ trên phù điêu, chạm khắc… Ở đây, tôi khai thác yếu tố truyền thống nhưng cải cách, hiện đại để phù hợp với đời sống, môi trường hội nhập... Nếu họa sĩ không hội nhập, anh sẽ bị tụt lại phía sau.

Sau hành trình 12 năm, tôi sẽ tập trung vào vấn đề danh tính, định vị mình là một nghệ sĩ châu Á, chủng tộc da vàng.

- Xin cảm ơn họa sĩ!

Văn hóa - Thể thao

Khai mạc Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025
Văn hóa - Thể thao

Khai mạc Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025

Với chủ đề "Thực học", Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025 khai mạc chiều 23.1, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. 47 người viết thư pháp Hán - Nôm và quốc ngữ tham gia Hội chữ mang đến cho công chúng những bức thư pháp đẹp với nhiều ước nguyện tốt lành trong mùa xuân mới.