Nhằm hỗ trợ phát triển sinh kế do phụ nữ làm chủ, qua đó nâng cao phúc lợi kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam, dự án "Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ ở Việt Nam" (AWEEV) hướng tới 2.635 phụ nữ và nam giới người dân tộc thiểu số ở 9 xã thuộc huyện Tam Đường (Lai Châu) và huyện Quang Bình (Hà Giang).
Dự án do Chính phủ Canada hỗ trợ thông qua Tổ chức CARE tại Việt Nam. Trong đó, có một hợp phần tập trung vào việc tạo môi trường thuận lợi cho các quyền kinh tế của phụ nữ. Dự án hợp tác với giới truyền thông để thúc đẩy quyền kinh tế của phụ nữ và đưa ra các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chăm sóc và làm việc nhà không được trả lương.
Trường mầm non Xuân Hòa, xã Tiên Nguyên, huyện Quang Bình có 11 điểm trường, trong đó 4 điểm trường được AWEEV tài trợ nâng cấp lớp học, nhà bán trú và cung cấp cơ sở vật chất cho hoạt động trông giữ và tổ chức bữa ăn cho trẻ.
Theo đó, dự án tài trợ cho nhà trường dụng cụ nấu ăn, tủ lưu mẫu thực phẩm, chăn đệm ngủ để nhà trường thực hiện mô hình bán trú.
Tại các điểm trường do dự án tài trợ, trường không có cấp dưỡng mà người nấu bếp chính là các vị phụ huynh. Phụ huynh sẽ cắt cử nhau đi chợ, nấu ăn cho các con. Hình thức này giúp phụ huynh, đặc biệt là chị em phụ nữ, không phải mất thời gian 4 lần đưa đón con.
Trước đây, nhà trường không thể tổ chức được nhà trẻ đầy đủ do hạn chế về cơ sở vật chất. Nhiều phụ huynh đã chọn cách cho con ở nhà thay vì phải mất công đưa đón một ngày 4 lần.
Từ năm 2023 - 2024, nhờ sự hỗ trợ từ dự án AWEEV, trường có thể nâng cao chất lượng dịch vụ, chuẩn bị bữa trưa tại chỗ và cung cấp dịch vụ chăm sóc cả ngày cho trẻ em. Nhờ đó, phụ huynh có thể cho con đi học, tiết kiệm nhiều thời gian, công sức chăm sóc con và có thể dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động tạo thu nhập khác.
Đánh giá cao hiệu quả của mô hình bán trú, Hiệu trưởng trường mầm non Xuân Hòa Bùi Hồng Hạnh cho biết, Nhà trường mong được dự án tiếp tục tài trợ để mở rộng mô hình bán trú tại nhiều điểm trường khác trong xã.
"Điều này không chỉ giúp nhà trường chăm sóc tốt hơn cho các con mà còn giúp chị em phụ nữ ở đây có thời gian để làm ăn kinh tế, góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo", bà Hạnh nói.
Trước đó, năm 2021, CARE đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu và khảo sát về thực trạng của công việc chăm sóc không được trả công tại các cộng đồng dân cư ít người ở địa bàn dự án AWEEV cũng như trên toàn quốc.
Qua đó, CARE đã đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu và phân công lại công việc chăm sóc không lương. Tại Quang Bình, Hà Giang, một trong hai địa bàn thực hiện dự án AWEEV, một số giải pháp đã được hỗ trợ thí điểm thực hiện.
Một trong số các giải pháp được khuyến nghị tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ mầm non để phần nào giảm bớt gánh nặng chăm sóc trẻ em và giúp phụ nữ có thêm thời gian làm công việc được trả lương.
Tính cả hai giai đoạn triển khai các hoạt động hỗ trợ từ giữa năm 2022, AWEEV đã hỗ trợ điểm trường Xuân Hòa và 12 chi trường khác trên địa bàn các xã dự án ở Quang Bình, Hà Giang và Tam Đường, Lai Châu nâng cấp lớp học, nhà bán trú và cung cấp cơ sở vật chất cho hoạt động trông giữ và tổ chức bữa ăn cho trẻ.
Năm học 2023, tại điểm trường Xuân Hòa có 30 trẻ theo học, được phục vụ bán trú tại điểm.
Thời gian tới, dự án sẽ hỗ trợ trực tiếp Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội ở vùng miền núi và dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030 (Nghị quyết số 88/2019/QH14), tập trung vào hỗ trợ sinh kế và cải thiện điều kiện sống của người dân tộc thiểu số tại 1.400 xã nghèo nhất cả nước. Dự án cũng sẽ trực tiếp góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.
Dự án giải quyết các vấn đề chính: hỗ trợ phát triển sinh kế, giảm gánh nặng công việc chăm sóc, nâng cao khả năng ra quyết định của phụ nữ trong gia đình, thúc đẩy tiếp cận dịch vụ tài chính, và nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số.