Chương trình nhằm tưởng nhớ các bậc tiền bối hữu công với Đạo với Đời, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các anh hùng liệt sĩ đã vị quốc vong thân giữ gìn nền độc lập, tự do của Tổ quốc, tưởng nhớ cửu huyền thất tổ và tứ ân phụ mẫu đã quá vãn.
Tại chương trình, với sự tham gia của các tăng ni sinh hành giả an cư thuộc các khối lớp Học viện Phật giáo Việt Nam và hàng nghìn Phật tử đã cùng niệm Phật cầu gia hộ, phút nhập từ bi quan; dâng hoa cúng dàng; thực hiện nghi nhiễu đàn niệm Phật.
Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Đường chủ kiêm Giám luật Hạ trường Sóc Thiên Vương cũng thuyết giảng về ý nghĩa của lễ Vu lan báo hiếu.
Hòa thượng Thích Thanh Đạt cho biết, theo truyền thống Phật giáo nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng, Lễ Vu lan báo hiếu - cầu siêu phả độ gia tiên là hoạt động tâm linh có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nghi lễ này thể hiện lòng hiếu kính hướng về tổ tiên, đó là tinh thần báo đáp “Tứ trọng ân” trong Phật giáo cũng như “Uống nước nhớ nguồn - Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc từ bao đời nay.
"Xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ, Lễ Vu lan ngày nay không đơn thuần là ngày lễ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng, mà còn là ngày lễ của tình yêu thương và tấm lòng hiếu hạnh. Trải qua hàng nghìn năm, Lễ Vu lan đã khắc sâu trong tâm trí của người Việt, với đạo lý uống nước nhớ nguồn, trở thành "ngày hội hiếu" của tín đồ Phật tử và nhiều người ngoại đạo", Hòa thượng Thích Thanh Đạt khẳng định.
Cũng tại chương trình, các tăng ni, Phật tử đã thực hiện nghi lễ “Bông hồng cài áo”. Hình ảnh hoa hồng không chỉ là biểu tượng cho tình yêu đôi lứa, mà nó còn biểu tượng cho tình yêu cao quý của những người con đối với cha mẹ...