Theo TS.BS Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, các bệnh nhân gồm Khà Thị T., 52 tuổi và Vì Thị B., 17 tuổi (Mai Châu, Hoà Bình), là mẹ và con gái trong cùng gia đình.
Hai bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng đau đầu, đau bụng, nôn, đi ngoài nhiều lần, tê bì chân tay. Riêng cháu bé 17 tuổi còn kèm thêm triệu chứng khó thở và đau tức ngực.
Trước đó, bà T. cùng con gái làm thịt cóc để chế biến thức ăn, đã rất cẩn thận lột bỏ da cóc và loại bỏ nội tạng bên trong, chỉ lấy phần thân chế biến thức ăn. Tuy nhiên, thấy cóc đang có trứng, hai mẹ con đã lọc lấy bọc trứng để chế biến cùng thịt cóc.
Sau khi ăn, cả hai mẹ con xuất hiện đau đầu, đau bụng, nôn mửa, đi ngoài phân lòng nhiều lần. Các bệnh nhân được đưa tới Trung tâm Y tế huyện sơ cứu ban đầu và nhanh chóng chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình.
Tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, các bác sĩ nhanh chóng điều trị và chăm sóc tích cực cho người bệnh bằng các biện pháp đào thải chất độc, truyền dịch, điều chỉnh rối loạn nước và điện giải.
Sau 2 ngày điều trị và chăm sóc tích cực, hiện tại, các bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và đang tiếp tục được theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
TS.BS Hoàng Công Tình cho biết, cóc chứa chất độc ở trên toàn bộ da, tuyến nước bọt - mang tai, nội tạng và trứng. Cóc có thể gây độc trong toàn bộ vòng đời của chúng: trứng, nòng nọc, cóc con, cóc trưởng thành.
Nọc độc của cóc có thể gây nên các triệu chứng nguy hiểm trên hệ tiêu hoá, hô hấp, thần kinh và đặc biệt là hệ tim mạch.
Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo người dân không nên thịt cóc để chế biến làm thức ăn, vì nọc độc của cóc có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng.