Để chủ động phòng, tránh, ứng phó, xử lý kịp thời những tình huống do bão, mưa lũ sau bão gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương yêu cầu Ban Chỉ huy cấp huyện, các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác phòng chống bão số 3 và chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh các công điện trước đó. Tập trung ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và nhà nước.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ diễn biến tình hình bão, mưa lũ thực tế tại địa phương khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc thực sự cần thiết. Dừng các cuộc họp chưa thật cấp bách để tập trung đối phó với cơn bão. Thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến mưa, bão, lũ để thông báo cho Nhân dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại, tránh tư tưởng chủ quan.
UBND cấp huyện, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, các ngành rà soát lại toàn bộ các việc đã triển khai, bổ sung ngay những nội dung còn thiếu để chủ động đối phó với mọi tình huống bão, mưa lũ sau bão. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng đối phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra theo phương châm bốn tại chỗ. Các địa phương, đơn vị thực hiện thống kê, đánh giá thiệt hại do bão gây ra, chủ động hỗ trợ, khắc phục hậu quả sau bão theo quy định. Tổ chức thường trực, trực ban 24/24 giờ, chấp hành nghiêm chế độ báo cáo theo giờ (1 giờ/1 lần) về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh…
Trước đó, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã trực tiếp đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão số tại một số địa phương trên địa bàn. Qua kiểm tra, UBND tỉnh đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó tại các địa phương.
Trước diễn biến rất phức tạp của cơn bão, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện các biện pháp ứng phó, giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão số 3 gây ra, bảo đảm tính mạng, tài sản của người dân. Các địa phương không bị động, chủ quan, phải nắm chắc thông tin các điểm nguy hiểm, số hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng để có phương án ứng cứu kịp thời khi xảy ra sự cố. Đặc biệt, tránh bị động nếu tình huống diễn ra vào ban đêm, tính toán kịch bản nếu mưa bão gây mất điện, mất sóng viễn thông. Phải lường trước các tình huống để có biện pháp ứng phó kịp thời, nhất là khi có mưa lớn, nước dồn về nhanh; phải làm tốt việc tháo gạn nước đệm, hạ thấp mực nước kênh trục. Các trạm bơm tiêu úng phải được kiểm tra kỹ lưỡng, chuẩn bị đầy đủ thiết bị, động cơ dự phòng, đáp ứng yêu cầu vận hành, hạn chế tối đa tình trạng ngập úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số: 86/CĐ-TTg ngày 04/9/2024, số 87/CĐ-TTg ngày 5.9.2024 và chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã kịp thời ban hành các Công điện số: 05/CĐ-PCTT&TKCN ngày 4.9.2024, 06/CĐ-PCTT&TKCN ngày 5.9.2024; trên cơ sở đặc điểm tình hình cụ thể xây dựng kế hoạch ứng phó, khắc phục, giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão gây ra với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Tiếp tục theo dõi sát các bản tin của Trung ương, của Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh để nắm bắt diễn biến của bão, kịp thời thông tin thường xuyên, liên tục để chủ động các phương án ứng phó.
Điện lực Hải Dương rà soát, kiểm tra các cột điện đi qua các khu vực có nền đất yếu tại phường Phả Lại, Hưng Đạo, thành phố Chí Linh nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung để bảo đảm tuyệt đối an toàn. Các lực lượng hiệp đồng thực hiện tốt công tác chuẩn bị nơi đón người dân sơ tán, tránh trú bão bảo đảm an toàn...