Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 23-2 đến 1-3), trên địa bàn thành phố ghi nhận 37 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 19 trường hợp so với tuần trước đó.
Trong số các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân tay chân miệng, nhiều nhất quận Nam Từ Liêm với 12 ca bệnh, tiếp đến quận Hà Đông 5 ca; quận Long Biên và huyện Thanh Trì mỗi nơi có 3 ca. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm đến nay, thành phố có 125 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Đồng thời, tuần qua cũng ghi nhận 1 ổ dịch tay chân miệng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm với 13 ca mắc. Cộng dồn năm 2024, đã có 2 ổ dịch trên địa bàn thành phố. Hiện còn 1 ổ dịch đang hoạt động.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua cũng ghi nhận 27 trường hợp mắc thủy đậu, giảm 5 trường hợp so với tuần trước đó.
Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc thủy đậu là Hoàn Kiếm với chùm ca bệnh Trường Tiểu học Phúc Tân với 10 trường hợp mắc, tiếp đến huyện Mê Linh có 5 ca. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 147 trường hợp mắc thủy đậu (giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023).
Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, thời tiết mùa đông - xuân như hiện nay là giai đoạn thường xảy ra nhiều bệnh truyền nhiễm như sởi, thủy đậu, tay chân miệng, ho gà...
Thời gian qua, Hà Nội đã xuất hiện một số ổ dịch, chùm ca bệnh tay chân miệng, thủy đậu trong trường học, chủ yếu ở trẻ lứa tuổi mầm non, tiểu học. Dự báo, thời gian tới có thể ghi nhận thêm ca bệnh, ổ dịch.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố đề nghị, các đơn vị trong ngành tăng cường giám sát phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh tay chân miệng, thủy đậu..., đặc biệt là tại các trạm y tế, các trường mầm non, tiểu học.
Tổ chức các hoạt động xử lý ổ dịch, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại các trường học có nhiều bệnh nhân, ổ dịch. Đồng thời, tổ chức điều tra, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch được ghi nhận trong tuần, không để các ổ dịch bùng phát rộng.
Tăng cường công tác tuyên truyền phòng bệnh, Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các Trạm y tế xã, phường, thị trấn tổ chức rà soát đối tượng tiêm chủng.
Duy trì tốt công tác tiêm chủng mở rộng phòng các bệnh nguy hiểm ở trẻ; bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng của các bệnh và tích cực tư vấn người dân cho con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Tổ chức tốt các buổi tiêm chủng, bảo đảm an toàn.
Đối với các bệnh có vaccine nhưng không trong chương trình tiêm chủng mở rộng, khuyến khích người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:
- Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
- Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 - 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
- Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.
-Người dân nên chủ động phòng, chống bệnh thủy đậu để đảm bảo sức khỏe cho chính mình và cộng đồng. Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ bệnh cần đến khám ngay tại các cơ sở y tế gần nhất.