Theo báo cáo của ngành y tế thủ đô, công tác bảo đảm ATTP hiện đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đầy đủ và toàn diện từ cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đều vào cuộc và tạo được sự chuyển biến rõ rệt, đạt được những thành tích quan trọng trên các lĩnh vực.
Trong năm 2023, các tuyến y tế của thành phố đã triển khai đầy đủ nội dung hoạt động theo kế hoạch và chủ động tổ chức triển khai sớm, đúng với chủ đề tháng hành động vì an toàn thực phẩm.
Toàn thành phố thành lập 699 đoàn thanh, kiểm tra. Số cơ sở được kiểm tra là 18.822 cơ sở; trong đó, 16.106 cơ sở đạt (chiếm tỷ lệ 85,3%), 2.776 cơ sở vi phạm. Xét nghiệm tại Labo lấy 131 mẫu, trong đó đạt 121/131 mẫu (chiếm 92,4%) đảm bảo an toàn đối với các chỉ tiêu phân tích; xét nghiệm nhanh đánh giá sàng lọc chất lượng an toàn của thực phẩm và chế độ vệ sinh dụng cụ với tổng số mẫu 13.836 mẫu/14.511 mẫu chiếm tỷ lệ đạt 95,3%...
Để tăng cường hơn nữa công tác đảm bảo an ninh ATTP, đáp ứng ngày càng cao hơn trong công tác bảo đảm an ninh, ATTP, chủ đề Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 là “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” được triển khai cao điểm từ ngày 15.4 đến ngày 15.5. Mục tiêu nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP từ thành phố tới các xã/phường/thị trấn.
Thành phố sẽ tổ chức 4 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP để kiểm tra công tác triển khai kế hoạch của các quận/huyện/thị xã; xã/phường/thị trấn và Sở, ngành; kiểm tra thực tế tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn được phân công.
Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm ATTP, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm.
Chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Đồng thời, tăng cường gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác đảm bảo ATTP; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác bảo đảm ATTP; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm ATTP.
Đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, Sở Y tế đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành của y tế trong công tác ATTP, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm hành chính các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, ATTP.
Trong tháng hành động ATTP sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, các bếp ăn tập thể trường học, bếp ăn tập thể khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, nước đá dùng liền, sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung… theo phân cấp.
Đặc biệt, Sở Y tế đẩy mạnh triển khai, nhân rộng các mô hình điểm ATTP như: mô hình tuyến phố văn minh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; mô hình kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người tại 440 xã; mô hình nâng cao năng lực tự quản lý ATTP bếp ăn tập thể trường học (20 trường học); mô hình kiểm soát ATTP bếp ăn tập thể trường học và khu công nghiệp; mô hình kiểm soát ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh cổng trường học tại quận Hoàn Kiếm...