Tuyệt đối không lập hồ sơ bệnh án khống, kê thuốc khống
Theo Công văn số 1345/SYT-NYY của Sở Y tế Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội tại Công văn số 653/UBND-KGVX ngày 14.3.2023 về tăng cường quản lý, kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn, Sở Y tế Hà Nội đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn địa bàn xây dựng kế hoạch, giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả chi phí khám, chữa bệnh BHYT.
Hàng tháng, quý chủ động phân tích số liệu, đánh giá tình hình khám, chữa bệnh BHYT, dữ liệu chi phí khám, chữa bệnh BHYT của đơn vị, từ đó kịp thời có các giải pháp để kiểm soát chi phí, đặc biệt đối với các chi phí gia tăng bất thường.
Đặc biệt, phải rà soát, bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, dịch truyền, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật... để phục vụ việc khám, chữa bệnh cho người bệnh. Không để người bệnh BHYT phải tự mua các thuốc, vật tư y tế trong phạm vi quyền lợi được hưởng nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT.
Đồng thời, các cơ sở khám, chữa bệnh phải nâng cao tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và trục lợi BHYT trong các khâu chỉ định người bệnh nhập viện điều trị nội trú, chỉ định xét nghiệm, sử dụng dịch vụ kỹ thuật khám, chữa bệnh thuốc điều trị, chú ý đối với việc chỉ định dịch vụ kỹ thuật và thuốc điều trị bệnh đắt tiền.
Không để xảy ra tình trạng kê đơn thuốc quá mức cần thiết; ghi tên dịch vụ kỹ thuật, tên chẩn đoán không đúng với tình trạng bệnh nhằm thanh toán với giá dịch vụ cao hơn.
Tuyệt đối không lập hồ sơ bệnh án khống, kê thuốc khống, cấp thuốc không đầy đủ cho người bệnh để chiếm dụng thuốc, tiền của quỹ BHYT.
Cùng với đó, các bệnh viện phải kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị; tăng cường hoạt động của dược lâm sàng, kiểm soát việc kê đơn, sử dụng thuốc, chỉ định xét nghiệm, chỉ định dịch vụ kỹ thuật, quy trình chăm sóc người bệnh.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh nói chung, khám, chữa bệnh BHYT nói riêng theo đúng quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 Thông tư số 48/2017/TT-BYT của Bộ Y tế.
100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT phải có đủ phương tiện, nhân lực
Sở Y tế Hà Nội cùng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh phải nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND Thành phố tại Kế hoạch số 54/KH-UBND. Bảo đảm 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn có đủ phương tiện, nhân lực, quy trình chuyên môn để triển khai hoạt động khám, chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip.
Sở Y tế Hà Nội cũng đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục phổ biến, quán triệt sâu rộng đến toàn thể đội ngũ lãnh đạo, cán bộ y tế của đơn vị nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-BYT ngày 9.9.2019 của Bộ Y tế; Chỉ thị số 25/CT-BYT ngày 21.12.2020 của Bộ Y tế; Kế hoạch số 193/KH-UBND ngày 26.8.2021 của UBND Thành phố.
Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ phối hợp với BHXH Thành phố và các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật và việc kiểm soát chi phí tại các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT; đề xuất biện pháp xử lý nếu phát hiện đơn vị có vi phạm quy định về lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT...
Theo BHXH TP. Hà Nội, hết tháng 2.2023, Hà Nội có trên 7,66 triệu người tham gia BHYT, tăng 25.058 người so với tháng trước, đạt tỷ lệ bao phủ 92,9% dân số. Chỉ tính trong tháng 2.2023, Hà Nội đã có 780.444 lượt khám, chữa bệnh BHYT với chi phí 1.162,8 tỷ đồng.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, toàn thành phố có 1.596.997 lượt khám, chữa bệnh BHYT với chi phí 2.446,9 tỷ đồng (bằng 123,5% so với cùng kỳ 2022).
Trung bình mỗi lượt khám, chữa bệnh BHYT ngoại trú là 544.768 đồng (bằng 100,7% so với tháng 1.2023), còn chi phí trung bình mỗi lượt khám, chữa bệnh BHYT nội trú là 7.634.211 đồng (bằng 94,2% so với tháng 1.2023).