Đối tượng tham gia khảo sát là học sinh lớp 12 năm học 2023 - 2024 đang học tập tại các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các quận, huyện, thị xã. Theo thống kê sơ bộ, toàn thành phố hiện có khoảng 101.000 học sinh lớp 12.
Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tổ chức khảo sát 5 bài kiểm tra với cấu trúc, dạng thức làm bài tương tự như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Cụ thể, 5 bài kiểm tra gồm: Ngữ văn, Toán, Khoa học tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân); trong đó môn Ngữ văn làm bài theo hình thức tự luận; các môn còn lại làm bài theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Việc tổ chức khảo sát học sinh lớp 12 toàn thành phố đã được Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức nhiều năm qua và nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của học sinh, phụ huynh. Kết quả khảo sát không sử dụng làm điểm kiểm tra, đánh giá học sinh.
Thông qua kỳ khảo sát, các nhà trường kịp thời có sự điều chỉnh trong tổ chức giảng dạy, ôn tập cho học sinh bảo đảm phù hợp với năng lực, trình độ, từ đó góp phần nâng tỷ lệ tốt nghiệp THPT.
Trước đó, sáng 22.3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố 15 đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Năm 2024 là năm cuối cùng thực hiện dạy học và thi theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Do đó, đề thi tốt nghiệp THPT cơ bản giữ ổn định cấu trúc như năm 2023. Tuy nhiên, để chuẩn bị chuyển sang một giai đoạn mới nên trong đề thi có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cụ thể, về cấu trúc, định dạng và mức độ phân hóa, đề thi cơ bản giữ ổn định với 4 cấp độ nhận thức nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Nội dung đề thi bảo đảm khoa học, chính xác theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006; có độ phân hóa cao hơn, đặc biệt là các câu hỏi ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao. Ngoài ra, trong các đề thi có những câu hỏi nhằm giải quyết các vấn đề thực tế cuộc sống, xã hội, được xây dựng tiệm cận theo định hướng đánh giá năng lực người học giúp đánh giá được năng lực thí sinh một cách công bằng và chính xác.
Về dạng thức câu hỏi, môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, đề thi được xây dựng theo hướng khuyến khích học sinh phát huy tính sáng tạo, hạn chế văn mẫu. Các môn còn lại thi trắc nghiệm khách quan với 4 lựa chọn A hoặc B, C, D.