Theo Sở tài chính thành phố Hà Nội, Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ngày 19.9.2013 về việc ban hành giá bán nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố và Quyết định số 39/2013/QĐ-UBND ngày 19.9.2013 về việc phê duyệt phương án giá tiêu thụ nước sạch không dùng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội đến nay đã thực hiện được 10 năm, tổng thể các chi phí cấu thành giá đều tăng.
Sở Tài chính thành phố đánh giá sau 10 năm thực hiện hai Quyết định trên, hiện nay giá nước sạch đã không còn phù hợp chi phí sản xuất kinh doanh theo quy định của các công ty cấp nước. Việc không điều chỉnh hoặc chậm điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch có thể dẫn tới các tác động tiêu cực nhưkhông đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch; Không đủ điều kiện nâng cao chất lượng nước sạch; Không thu hút được các nhà đầu tư; Không khuyến khích sử dụng nước sạch tiết kiệm.
Về nguyên tắc tính giá nước sạch, theo Sở tài chính đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ trong quá trình khai thác, sản xuất, phân phối, tiêu thụ và có lợi nhuận. Bên cạnh đó, phù hợp với chất lượng nước, định mức kinh tế - kỹ thuật, quan hệ cung cầu về nước sạch, điều kiện tự nhiên, điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương, khu vực, thu nhập của người dân trong từng thời kỳ; hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của đơn vị cấp nước sạch và khách hàng sử dụng nước.
Khuyến khích khách hàng sử dụng nước tiết kiệm; Khuyến khích các đơn vị cấp nước nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí, giảm thất thoát, thất thu nước sạch, đáp ứng nhu cầu của khách hàng; thu hút đầu tư vào hoạt động sản xuất, phân phối nước sạch.
Phương pháp xây dựng giá nước sạch sinh hoạt được sử dụng là phương pháp chi phí theo quy định tại Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18.6.2021 của Bộ Tài chính quy định quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt. Theo đó, giá nước sạch được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ trong quá trình khai thác, sản xuất, phân phối, tiêu thụ và có lợi nhuận. Phù hợp với chất lượng nước, định mức kinh tế kỹ thuật, quan hệ cung cầu về nước sạch, điều kiện tự nhiên, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng khu vực; khuyến khích khách hàng sử dụng nước tiết kiệm thực hiện theo đúng quy định tại Điều 2 Thông tư số 44 quy định về nguyên tắc xác định giá nước sạch.
Theo phương án điều chỉnh từ 1.7.2023, đối với hộ dân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo mức giá nước sạch áp dụng tại mức sử dụng nước sạch 10 m3 đầu tiên là 5.973 đồng/m3 (mức giá này giữ nguyên theo mức giá nước sạch tại Quyết định 38/2013/QĐ-UBND).
Đối với người dân tại khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khu vực bị ảnh hưởng môi trường có khó khăn được tiếp cận nước sạch như khu vực người dân tại vùng ảnh hưởng môi trường Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn và người dân khu vực bị ảnh hưởng bãi rác Xuân Sơn, thành phố có cơ chế hỗ trợ để đảm bảo sức khỏe và sinh hoạt của người dân khu vực này.
Sở Tài chính thành phố đánh giá, nhu cầu tiêu dùng nước thực tế đối với hộ gia đình tại Hà Nội ở khu vực nội thành một (10-16 m3/hộ/tháng) thì số tiền phải chi thêm 15.000 – 26.000 đồng/tháng; ở khu vực nông thôn (6-8 m3/hộ/tháng) thì số tiền phải chi thêm 10.000 - 13.000 đồng/tháng. Nếu tính tiền nước trong tổng thu nhập và chi tiêu của một hộ gia đình tại khu vực thành thị trong một tháng chiếm 0,72% (Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2022 do Tổng Cục Thống kê công bố: Số nhân khẩu bình quân một hộ khu vực thành thị là 3,5 người, khu vực nông thôn là 3,7 người. Mức thu nhập bình quân của người lao động 9 tháng năm 2022 là 6,6 triệu đồng/người, một gia đình là 22,4 triệu đồng/hộ).
Do vậy, với phương án điều chỉnh giá nước mới cơ bản không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân.