Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn, các bệnh nhân nói trên đều là người lớn, trong đó có tới 8 người cùng chung sống tại một địa chỉ, nhập viện với biểu hiện lâm sàng giống nhau. Một số người từng mắc bệnh thủy đậu từ khi còn nhỏ, một số mới lần đầu.
Anh T.A.G. (27 tuổi, quê ở Yên Minh, Hà Giang), bệnh nhân trong nhóm 8 người cùng địa chỉ cho biết, nơi ở của anh có khoảng 30 người cùng sinh hoạt. Các phòng ở có giường tầng. Tuy mỗi người một giường nhưng ăn uống, sinh hoạt chung.
Theo bệnh nhân G., các triệu chứng bắt đầu khởi phát cách đây 2 tuần do một người cùng phòng có biểu hiện nổi mẩn ngứa. Cùng thời điểm này, thêm một số người trong phòng xuất hiện triệu chứng tương tự nên đến bệnh viện thăm khám.
"Sau khi 4 người trước khỏi bệnh và được xuất viện, tôi cùng 3 người khác trong nhà thấy có triệu chứng tương tự nên được đưa đến bệnh viện để điều trị. Ban đầu tôi chóng mặt, ngứa và đau mỏi cổ, khó ngủ, sau đó là mẩn ngứa các mụn nước", anh G. chia sẻ. Qua khai thác, hiện một số người sinh sống cùng với nhóm 8 bệnh nhân này cũng đang có triệu chứng tương tự.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Trung, thủy đậu là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây cao và dễ bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Trung khuyến cáo, người mắc bệnh thủy đậu luôn phải giữ khoảng cách với những người xung quanh, cần đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc trực tiếp để không lây lan bệnh.
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 70 trường hợp mắc thủy đậu. Cộng dồn từ đầu năm 2023 tới nay có 548 ca mắc, chưa có trường hợp tử vong. Bệnh nhân ghi nhận tại 18/30 quận huyện, một số đơn vị có số mắc cao như: Chương Mỹ (230), Mê Linh (69), Ba Vì (60), Nam Từ Liêm (56), Mỹ Đức (42).
CDC Hà Nội cho biết, so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận năm 2023 tăng cao. Trong đó, số bệnh nhân nhiều nhất ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học.
“Bệnh thủy đậu thường có xu hướng gia tăng vào mùa đông xuân, do đó số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới”, báo cáo tình hình dịch bệnh truyền nhiễm của CDC Hà Nội nêu rõ.
Virus Varicella Zoster là nguyên nhân chính gây nên bệnh thủy đậu. Thời gian ủ bệnh từ 2 - 3 tuần, thông thường từ 14 - 16 ngày với các triệu chứng toàn thân điển hình như nổi mụn nước, mụn mủ, sốt, ngứa rát, nổi sẩn, vảy tiết mọc lên trên bề mặt da. Bệnh thủy đậu không để lại sẹo, trừ khi nốt mụn nước bị bội nhiễm.
Thủy đậu nằm trong số bệnh truyền nhiễm dễ lây lan từ người sang người. Đối với người chưa từng mắc bệnh, chưa được tiêm phòng vắc xin ngừa thủy đậu, nguy cơ mắc bệnh lên tới 90%. Bệnh thường lây lan qua 3 con đường: Đường hô hấp; Lây qua tiếp xúc trực tiếp; Lây qua vật trung gian khi người không mắc bệnh tiếp xúc, chạm vào hay sử dụng vật dụng cá nhân, giường chiếu với người mắc bệnh thủy đậu.
Bệnh thủy đậu có mức độ lây nhiễm mạnh nhất trong giai đoạn phát bệnh. Ở giai đoạn này, toàn cơ thể người bệnh xuất hiện những nốt mụn nước, dễ dàng lây nhiễm sang người khác. Người mắc bệnh thủy đậu sẽ bị sốt, mệt mỏi nhẹ toàn thân kéo dài trong khoảng 2 - 3 ngày.
Cần đưa người bệnh tới gặp bác sĩ nếu thời gian sốt kéo dài hơn, đối với trẻ nhỏ khi sốt cao trên 39 độ C kèm triệu chứng co giật, khó thở; người lớn sốt cao trên 39,5 độ C.
Các bác sĩ khuyến cáo, tiêm vắc xin ngừa thủy đậu là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, nếu có người thân mắc bệnh, cần thực hiện những biện pháp sau để phòng tránh lây lan: Không sinh hoạt chung trong không gian cùng người bệnh; Cách ly người bệnh tạm thời, sinh hoạt trong không gian riêng.
Thường xuyên vệ sinh và sát khuẩn đồ dùng sinh hoạt của người bệnh, dọn vệ sinh nhà cửa cho sạch sẽ và thông thoáng. Khi tiếp xúc gần với người bệnh, cần rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý.
Với người bệnh thủy đậu không nên gãi, chà xát các nốt mụn nước để tránh lây nhiễm cho người khác khi mụn nước bị vỡ ra.