Hà Nội: Đề nghị xử lý trại lợn xả thải gây ô nhiễm môi trường “tra tấn” người dân suốt nhiều năm
Phản ánh tới Báo Đại biểu Nhân dân, cử tri sinh sống gần trang trại nuôi lợn thuộc xã Tân Minh (huyện Sóc Sơn) cho biết, thời gian qua, ngòi chứa nước phục vụ tưới tiêu, trồng trọt của người dân chuyển màu đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc phát tán ra môi trường khiến hàng chục hộ dân “mất ăn, mất ngủ”. Tình trạng ô nhiễm này diễn ra trong thời gian dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt và sức khỏe người dân nơi đây.
Trong lá đơn kêu cứu, một người dân sinh sống gần trang trại nuôi lợn này cho biết, gần chục năm qua, người dân phải sinh sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm nghiêm trọng xuất phát từ trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Công Hoàng tại thôn Xuân Đoài.
Hàng ngày, người dân nơi đây phải hít thở mùi hôi thối nồng nặc xuất phát từ trang trại chăn nuôi này, hệ thống thủy lợi để phục vụ tưới tiêu cho bà con đã chuyển sang màu đen kịt từ nhiều năm nay. Nhiều người dân sinh sống gần trại lợn đã bị mắc các bệnh về hô hấp, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.
Người dân địa phương cũng đã nhiều lần có đơn kêu cứu tới chính quyền địa phương nhưng tới nay tình trạng này vẫn chưa thể khắc phục và có dấu hiệu ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn.
Trang trại hoạt động kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Trao đổi về vấn đề này, một lãnh đạo UBND xã Tân Minh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, mặc dù được giao đất để làm mô hình VAC (chăn nuôi gia súc, ao nuôi cá và trồng cây) nhưng trang trại của ông Hoàng hoạt động không hiệu quả. Hiện tại, trang trại này chỉ tập trung nuôi lợn và đang bị cử tri phản ánh về việc gây ô nhiễm môi trường.
Cũng theo vị lãnh đạo UBND xã Tân Minh: “Chúng tôi đang thiết lập hồ sơ để xử lý liên quan việc ô nhiễm môi trường tại trang trại này. Đồng thời UBND xã phối hợp với Phòng Tài nguyên và môi trường kiểm tra, đánh giá quan trắc môi trường mới có thể đưa ra kết luận chính xác và quan điểm là xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”.
Xử lý dứt điểm vi phạm về đất đai đối với đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên đất công
Được biết, trang trại nuôi lợn tại thôn Xuân Đoài (xã Tân Minh) nằm trong đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên đất công thuộc các xã, thị trấn” đã được UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt, giai đoạn từ năm 2002 – 2020.
Mới đây, UBND huyện Sóc Sơn đã có văn bản chỉ đạo về việc đôn đốc kiểm tra, thiết lập hồ sơ xử lý đối với các “Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi” đã có văn bản chấm dứt, thu hồi trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
Theo đó, Công văn số 101/TTXD do ông Nguyễn Văn Thu, Đội trưởng Đội quản lý TTXD Đô thị huyện Sóc Sơn ký ngày 31.10.2023 gửi Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
Công văn này cho biết, trong giai đoạn từ năm 2002 - 2020, UBND huyện Sóc Sơn đã phê duyệt 59 đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên đất công thuộc các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trong quá trình triển khai thực hiện đề án, chủ đầu tư đã không thực hiện đúng đề án, sử dụng đất không đúng mục đích, hợp đồng thuê đất không đúng theo quy định. Do đó, UBND huyện đã chấm dứt, thu hồi các đề án vi phạm, đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư tự giác tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm trả lại mặt bằng ban đầu của thửa đất. Tuy nhiên đến nay, các chủ đầu tư chưa chấp hành khắc phục hành vi vi phạm, UBND các xã, thị trấn chưa thiết lập hồ sơ vi phạm và xử lý các vi phạm theo quy định.
Để xử lý dứt điểm vi phạm về đất đai đối với 59 đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên đất công theo quy định của pháp luật. Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị đề nghị Chủ tịch UBND các xã, thị trấn:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về lĩnh vực nông nghiệp, đất đai, xây dựng để các chủ đầu tư hiểu và chấp hành.
- Khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, thiết lập hồ sơ vi phạm về lĩnh vực đất đai, xây dựng kế hoạch và tổ chức xử lý dứt điểm vi phạm đối với các đề án đã có văn bản chấm dứt, thu hồi đề án theo quy định.
Báo cáo kết quả thực hiện về UBND huyện (qua Đội Quản lý TTXD đô thị) để tổng hợp.
Công văn này cũng yêu cầu Tổ Quản lý trật tự xây dựng đô thị địa bàn các xã, thị trấn chủ trì, phối hợp với công chức Địa chính, các ngành của xã, thị trấn tổ chức kiểm tra hiện trạng các công trình xây dựng đối với 59 đề án nêu trên; Chuyển biên bản kiểm tra, báo cáo đề xuất Công chức địa chính thiết lập hồ sơ vi phạm về lĩnh vực đất đai; tham mưu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch xử lý cưỡng chế vi phạm đối với các vi phạm hồ sơ đã đủ điều kiện cưỡng chế. Tổng hợp số liệu vi phạm, kết quả xử lý vi phạm báo cáo về Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị theo quy định.
* Báo Đại biểu Nhân dân sẽ giám sát, thông tin quá trình thực thi pháp luật, xử lý các vấn đề liên quan đến vụ việc trên đến bạn đọc và cử tri cả nước.