Sức ép lớn từ gia tăng dân số
Theo quyết nghị của HĐND thành phố, về phạm vi điều chỉnh, nghị quyết này quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để được giải quyết đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê mượn, ở nhờ áp dụng trên địa bàn thành phố đến hết năm 2030. Về đối tượng áp dụng: Công dân Việt Nam đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn thành phố trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20, Luật Cư trú năm 2020; cơ quan đăng ký cư trú trên địa bàn thành phố Hà Nội; UBND các cấp; tổ chức, cá nhân sở hữu chỗ ở hợp pháp cho thuê, mượn, ở nhờ.
Ngoài ra, quy định diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố Hà Nội, đối với khu vực ngoại thành là 8m2/sàn/người; đối với khu vực nội thành là 15m2/sàn/người.
HĐND thành phố giao UBND thành phố tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo chức năng, quyền hạn được pháp luật quy định; quá trình thực hiện có rà soát, đánh giá các tác động bảo cáo HĐND thành phố điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp theo thực tế phát triển.

Trước đó, theo báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND thành phố, Hà Nội là đô thị đặc biệt với áp lực gia tăng dân số cơ học lớn, số người đăng ký cư trú tăng nhanh và biến động nhiều. Đặc biệt, dân số thuộc khu vực nội đô lịch sử duy trì mật độ cao và đã vượt quá quy định. Dự kiến dân số khu vực này đến năm 2030 phải giảm còn 0,8 triệu người, nhưng đến nay quy mô đã vượt ngưỡng 1,2 triệu người. Dân số Hà Nội trong những năm qua tăng phần lớn là gia tăng cơ học từ người nhập cư.
Việc gia tăng dân số tại các quận nội thành, nhất là các quận thuộc khu vực nội đô mở rộng, như: Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân đang tạo ra nhiều sức ép như quá tải đối với hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, quản lý an ninh, trật tự công cộng, bảo đảm môi trường sống... Từ việc quy mô dân số tăng nhanh, mật độ dân số phát triển nóng như vậy đã tạo ra những áp lực cho chính quyền các cấp thành phố trong công tác lãnh đạo, điều hành để đảm bảo các điều kiện về giáo dục, y tế, an sinh xã hội và các điều kiện khác của người dân cư trú trên địa bàn thành phố, nhất là tại các quận nội thành.
Việc quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là một trong những tiêu chí tối thiểu để thành phố xác định trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo điều kiện sống cần thiết của người dân, phù hợp với yêu cầu quản lý về cư trú và tình hình, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thành phố. Do vậy, Ban Pháp chế HĐND thành phố đồng tình với với quan điểm và nguyên tắc xây dựng Nghị quyết của HĐND thành phố theo khoản 2, Điều 3, Luật Cư trú năm 2020 là: “Bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và xã hội; kết hợp giữa việc bảo đảm quyền tự do cư trú, các quyền cơ bản khác của công dân và trách nhiệm của Nhà nước với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cổ quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội".
Tập trung di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực nội đô
Theo báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND thành phố, việc UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết này là một trong những giải pháp để có cơ chế, chính sách để đảm bảo các nhiệm vụ về phát triển đô thị Thủ đô Hà Nội. Như vậy, thời gian tới, thành phố cũng cần phải xây dựng các cơ chế, chính sách, các giải pháp, sử dụng “các công cụ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các công cụ thị trường khác để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số…”; tăng cường công tác quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại các khu vực trung tâm gắn với việc tái thiết đô thị để đảm bảo các điều kiện về an sinh xã hội, giáo dục, y tế… cho người dân, tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù có hiệu quả trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ...
Ngoài ra, thành phố cần tập trung di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành; ưu tiên sử dụng quỹ đất sau di dời để xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội. Đồng thời, thúc đẩy việc phát triển các đô thị vệ tinh, thực hiện quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hòa, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị…