Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở Nghệ An

Bài 1: Gần dân, phục vụ dân tốt hơn!

Cùng với cả nước, Nghệ An đang trong những ngày tích cực, khẩn trương, quyết liệt thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp theo chủ trương của Trung ương… Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung khẳng định: “Nghệ An là quê hương cách mạng, nên chắc chắn sẽ thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy một cách triệt để nhất!”

Quyết liệt, chủ động

Thời gian qua, bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh và Sở Nội vụ, các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã chủ động, tích cực chuẩn bị phương án sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC cấp xã; đơn cử, tại Thanh Chương, trên cơ sở tham khảo ý kiến Nhân dân, các bậc trí thức cũng như các cựu lãnh đạo qua các thời kỳ, huyện đã xây dựng 8 phương án (sắp xếp từ 6 - 14 xã/tổng 29 xã, thị trấn); đồng thời, lựa chọn, đặt trụ sở hành chính - chính trị mới có vị trí thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp họp triển khai một số nội dung trọng tâm. Ảnh: X.Hoa
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp họp triển khai một số nội dung trọng tâm. Ảnh: X.Hoa

Với Quỳnh Lưu, từ hiện trạng diện tích tự nhiên 439,78km2, dân số 336.617 người và 25 xã, thị trấn, Ban Chỉ đạo huyện đã thống nhất phương án sắp xếp thành 7 ĐVHC cấp xã mới, giảm 18 đơn vị (giảm 72%); đồng thời, huyện cũng xây dựng dự kiến phương án sắp xếp cán bộ, công chức; đặt tên cho các xã mới gắn với số thứ tự từ 1 - 7 để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin... Hay như Nghi Lộc, trên cơ sở rà soát 23/23 ĐVHC cấp xã không đạt tiêu chuẩn theo quy định, huyện cũng đã xây dựng phương án sắp xếp thành 7 xã mới (giảm 69,5%) dựa trên nhiều tiêu chí.

Còn với Yên Thành, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hoàng Danh Truyền chia sẻ, thực hiện Kết luận số 127/KL-TW ngày 28.2.2025 của Bộ Chính trị, huyện đã giao các phòng, ngành, địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ; chuẩn bị đầy đủ kế hoạch về quản lý, sử dụng trụ sở, tài sản, tài chính; chủ động chỉnh lý, sắp xếp hồ sơ trên các lĩnh vực khoa học, dễ lưu trữ để không để thất thoát hồ sơ...; đồng thời, tăng cường kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với tổ chức, đơn vị trực thuộc, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, khuyết điểm và có biện pháp chấn chỉnh, phòng ngừa.

Cùng với các huyện Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Yên Thành… xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập xã cũng được các địa phương như Tân Kỳ, Diễn Châu, Kỳ Sơn… nghiên cứu thận trọng trên cơ sở bám sát các nguyên tắc và tiêu chuẩn sắp xếp theo Kết luận số 137 ngày 28.3.2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đó là thực hiện sắp xếp cấp xã theo hướng giảm khoảng 50% ĐVHC hiện tại và không hình thành “cấp huyện thu nhỏ” nhằm đưa cán bộ thật sự gần dân, sát dân, phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo nhiều địa phương, các phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã đều được tính toán đến các yếu tố về quy hoạch phát triển, quy mô dân số, diện tích, phù hợp với sinh hoạt, phong tục tập quán lâu nay của người dân… Song song với xây dựng phương án sắp xếp bộ máy, các huyện, thị xã cũng đã quán triệt tinh thần đoàn kết làm việc cao độ cho cán bộ, xem đây là tiêu chí đánh giá cán bộ khi sắp xếp ĐVHC.

Theo Bí thư Thị ủy Hoàng Mai Lê Trường Giang, thị xã đang tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề cấp thiết như bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư quan trọng của tỉnh trên địa bàn, tạo động lực phát triển của tỉnh. “Những nhiệm vụ này nếu chính quyền thị xã không quyết tâm thực hiện thì sau này khi chuyển giao cho chính quyền cấp cơ sở sẽ khó khăn hơn. Đây có thể xem là cơ hội để các cán bộ thể hiện trách nhiệm của mình trước Nhân dân”, ông Giang chia sẻ.

Tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân

“Thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp là nhiệm vụ hết sức quan trọng và có ý nghĩa” - nhấn mạnh điều này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung cho rằng: mục tiêu quan trọng nhất là xây dựng chính quyền theo hướng gần dân, sát dân và đáp ứng nhanh nhất, hiệu quả nhất yêu cầu phục vụ người dân.

Tổ công tác UBND tỉnh về rà soát, nghiên cứu, định hướng sắp xếp đơn vị hành chính các cấp kiểm tra một số công trình dự án trên địa bàn thị xã Hoàng Mai

Tổ công tác UBND tỉnh về rà soát, nghiên cứu, định hướng sắp xếp đơn vị hành chính các cấp kiểm tra một số công trình dự án trên địa bàn thị xã Hoàng Mai

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung, thời gian qua, Nghệ An đã tập trung triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo các nghị quyết, kết luận, hướng dẫn của Trung ương; cụ thể, UBND tỉnh đã thành lập 5 Tổ công tác do các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng làm việc với các huyện, thành phố, thị xã để rà soát, định hướng về phương án sắp xếp ĐVHC, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, sử dụng tài sản công và đặt trụ sở hành chính mới sau sắp xếp...; đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ cấp huyện, cấp xã và Nhân dân, qua đó để chủ động kế hoạch, phương án thực hiện khi chính quyền mới đi vào hoạt động.

Bên cạnh nỗ lực của Đảng ủy UBND tỉnh, UBND tỉnh, các địa phương ở Nghệ An cũng đã chủ động xây dựng các phương án sắp xếp; quá trình thực hiện đã bám sát các nguyên tắc và tiêu chí theo quy định; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, cơ bản tạo được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân… “Sở Nội vụ đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương, chủ động, kịp thời tham mưu và ban hành các văn bản hướng dẫn, xây dựng các phương án phù hợp, linh hoạt với thực tiễn của tỉnh; tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo, kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo, phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã, thông báo phân công nhiệm vụ của thành viên, kế hoạch lấy ý kiến cử tri...”, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá.

Trao đổi tại cuộc họp Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện sắp xếp ĐVHC các cấp mới đây, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo tôn trọng đề xuất xây dựng phương án của các địa phương nhưng phải bảo đảm hài hòa để có tỷ lệ giảm chung toàn tỉnh, không cào bằng, máy móc, rập khuôn… Cùng với sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả… cũng cần phải cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm chính quyền cấp xã gần dân, sát dân và phục vụ người dân tốt hơn.

Tỉnh Nghệ An có 412 ĐVHC cấp xã, gồm 362 xã, 33 phường, 11 thị trấn; qua sắp xếp trình phương án giảm 282 ĐVHC cấp xã (tỷ lệ giảm 68,45%), còn 130 xã (11 phường, 119 xã)… Trong 130 ĐVHC sau sắp xếp, có 126 ĐVHC mới đã bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định; có 4 ĐVHC mới chưa bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định nhưng có các yếu tố đặc thù.

Hoạt động chính quyền

Đồng Nai dự kiến còn 55 xã phường sau sắp xếp
Địa phương

Đồng Nai dự kiến còn 55 xã phường sau sắp xếp

UBND tỉnh Đồng Nai đã họp Ban Chấp hành Đảng bộ để lấy ý kiến về việc sắp xếp các đơn vị hành chính và đề xuất giảm từ 159 đơn vị hành chính xuống còn 55 phường, xã. Trong đó có tên phường Biên Hoà, Trấn Biên, Long Khánh, Tân Triều…

Kon Tum siết chặt hoạt động khai thác khoáng sản
Hoạt động chính quyền

Kon Tum siết chặt hoạt động khai thác khoáng sản

UBND tỉnh Kon Tum vừa có quyết định về việc thành lập Hội đồng thẩm định Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh, nhằm quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và giao đất (thu hồi) cho địa phương quản lý theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Lãnh đạo 2 địa phương ký kết Kế hoạch phối hợp trao đổi, thống nhất một số nội dung về triển khai thực hiện các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các văn bản của Trung ương về hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng; sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã của các địa phương. Ảnh: Đàm Thanh
Địa phương

Hải Phòng và Hải Dương thống nhất nhiều nội dung quan trọng trong xây dựng đề án hợp nhất

Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã thống nhất nhiều nội dung then chốt trong quá trình xây dựng Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng; công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng sau hợp nhất, nhiệm kỳ 2025 - 2030 tại Kết luận số 555-KL/TUHP-TUHD. Các nội dung tập trung vào việc kiện toàn tổ chức, bố trí cán bộ, sắp xếp hành chính và định hướng phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố mới.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đ.T
Địa phương

Gia Lai còn 69 xã, 8 phường sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Hội nghị lần thứ 19 (mở rộng) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai vừa được tổ chức đã thống nhất sắp xếp, tổ chức từ 218 đơn vị hành chính cấp xã thành 77 đơn vị (gồm 69 xã và 8 phường) cùng nhiều nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng cần được các cấp ủy, đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện trong thời gian tới.

Phú Yên tinh gọn tổ chức, bộ máy hướng đến phục vụ Nhân dân hiệu quả hơn
Hoạt động chính quyền

Phú Yên tinh gọn tổ chức, bộ máy hướng đến phục vụ Nhân dân hiệu quả hơn

Thực hiện Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Phú Yên đang khẩn trương triển khai phương án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã. Theo dự kiến, toàn tỉnh sẽ giảm từ 106 đơn vị hành chính cấp xã hiện có xuống còn 34, tương đương giảm gần 68%.