Trước thông tin trên, ngày 10.7, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ đạo đơn vị liên quan rà soát báo cáo đầy đủ, chính xác về công tác tuyển sinh vào lớp 10 hệ công lập năm học 2023-2024 của Thành phố Hà Nội.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ đạo đơn vị liên quan rà soát báo cáo đầy đủ, chính xác về công tác tuyển sinh vào lớp 10 hệ công lập năm học 2023 - 2024 của Thành phố Hà Nội; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 12.7.2023.
Thông tin tỷ lệ tuyển sinh “thấp kỷ lục” là không đúng
Trong văn bản gửi Bộ GD-ĐT và UBND TP Hà Nội để báo cáo về vấn đề trên, Sở GD-ĐT Hà Nội bác thông tin lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại địa phương này “thấp kỷ lục”. Theo đó, năm học 2022-2023, toàn thành phố có 129.210 học sinh dự xét tốt nghiệp THCS (tăng khoảng 250 học sinh so với năm học 2021-2022).
Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, năm học 2023-2024, số lượng học sinh và tỷ lệ tuyển sinh vào trường THPT khoảng 102.000 học sinh (tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm học 2022-2023).
Trong đó, tuyển vào các trường công lập 77.480 học sinh, chiếm tỷ lệ 59,9% (trường THPT chuyên và có lớp chuyên gồm 4 trường, 2.480 học sinh, chiếm tỷ lệ 1,9%; trường THPT công lập không chuyên có 115 trường, 69.520 học sinh, chiếm tỷ lệ 53,8%; trường THPT công lập tự chủ có 9 trường, 3.685 học sinh, chiếm tỷ lệ 2,85%; trường THPT công lập hiệp quản có 4 trường, 1.795 học sinh, chiếm tỷ lệ 1,39%).
Tuy nhiên, căn cứ kết quả tuyển sinh từ ngày 5 - 7.7, căn cứ nguồn học sinh đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào trường, tình hình thực tế và đề xuất cụ thể của Hiệu trưởng các trường THPT, ngày 10.7, Sở GD-ĐT Hà Nội đã xem xét duyệt điểm chuẩn bổ sung cho 31 trường để đảm bảo quyền lợi tối đa cho học sinh.
Dự kiến kết quả tuyển sinh của các trường THPT công lập là 78.623, chiếm tỷ lệ 60,9%, tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm học 2022-2023 (gồm 4 trường THPT chuyên và có lớp chuyên; 115 trường THPT công lập không chuyên; 9 trường THPT công lập tự chủ và 4 trường THPT công lập hiệp quản).
Với số liệu 60,9% này, thông tin tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2023 - 2024 của Hà Nội thấp kỷ lục là không đúng.
3 năm tới, số học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS tại Hà Nội tăng gần 29.000
Cũng theo Sở GD-ĐT Hà Nội, căn cứ dữ liệu về học sinh phổ thông trên cơ sở dữ liệu ngành, dự báo trong 3 năm học tới, số học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS tăng khoảng 28.912 học sinh, tương đương khoảng 722 lớp, cụ thể:
Năm học 2024-2025 dự kiến có khoảng 134.942 học sinh, tăng khoảng 5.732 học sinh so với năm học 2023-2024.
Năm học 2025-2026 dự kiến có khoảng 129.890 học sinh, tăng khoảng 680 học sinh so với năm học 2023-2024.
Năm học 2026-2027 dự kiến có khoảng 151.710 học sinh, tăng khoảng 22.500 học sinh so với năm học 2023-2024.
Về quy mô các trường THPT công lập (không tính trường THPT công lập tự chủ và trường THPT công lập hiệp quản):
Đến năm học 2024-2025 dự kiến có khoảng 121 trường (tăng 2 trường so với năm học 2023-2024).
Đến năm học 2025-2026 có khoảng 123 trường (tăng 4 trường so với năm học 2023-2024).
Đến năm học 2026-2027 có khoảng 125 trường (tăng 6 trường so với năm học 2023-2024).
Đã phê duyệt 7 dự án xây dựng và thành lập mới trường THPT
Về kế hoạch xây mới, thành lập mới trường học để đáp ứng với số học sinh tăng, Sở GD-ĐT cho biết giai đoạn 2021-2025, HĐND thành phố, UBND thành phố đã phê duyệt 7 dự án xây dựng và thành lập mới trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân sau khi hoàn thành chương trình THCS.
Các trường này gồm: Trường THPT Minh Hà (huyện Thạch Thất); Trường THPT Thọ Xuân (huyện Đan Phượng); Trường THPT tại ô đất A11 (quận Cầu Giấy); Trường THPT Việt Hưng (quận Long Biên); trường THPT Uy Nỗ, Trường THPT Nguyên Khê và Trường THPT Việt Hùng (tại huyện Đông Anh).
Trong giai đoạn 2022-2025, thành phố Hà Nội quyết tâm tập trung nguồn lực đầu tư cho một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII (theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII phấn đấu đến hết năm 2025, số trường công lập đạt chuẩn quốc gia trên toàn thành phố đạt tỷ lệ là 80-85%).
Bên cạnh đó, UBND Thành phố đã giao UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng các trường THPT; trường phổ thông dân tộc nội trú có cấp THPT.
Dự kiến đến năm 2025 cơ bản sẽ giải quyết được tình trạng thiếu cơ sở vật chất của các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội.