
Dự buổi lễ có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04 – CTr/TU của Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; cùng dự về phía Bộ NN-PTNT có: Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp Nguyễn Minh Tiến; Phó Chánh Văn phòng nông thôn mới Trung ương Phương Đình Anh; Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và phát triển nông thôn Nguyễn Thị Hoàng Yến…
Về phía lãnh đạo Hà Nội có: Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền; Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Xuân Đại...
Báo cáo tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết: Trong giai đoạn 2021-2025, huyện Thanh Trì thực hiện 2 nhiệm vụ chính trị quan trọng là đầu tư xây dựng huyện thành quận, xã thành phường song song với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Với phương châm "Vừa làm vừa rút kinh nghiệm", huyện đã phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua "Chung sức xây dựng nông thôn mới", cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” cùng nhiều phong trào thi đua nhằm phát huy sức mạnh, vai trò chủ thể của các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới.

Năm 2021, UBND thành phố Hà Nội công nhận xã Liên Ninh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2022, huyện đã chỉ đạo quyết liệt 14 xã còn lại triển khai đồng bộ các giải pháp hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, tập trung vào các tiêu chí chưa đạt như: hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng phát triển kinh tế, môi trường, giáo dục - đào tạo, các thiết chế văn hóa, cải cách hành chính, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự,… Theo đó, huyện đã xây dựng 8 đề án gồm 2 Đề án củng cố sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp; 5 đề án lĩnh vực văn hóa-xã hội; 1 đề án ứng dụng công nghệ tin học tiến tới xây dựng nền hành chính hiện đại.

Bên cạnh đó, huyện còn ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khung về giao thông và kinh tế-xã hội, bố trí trên 2.000 tỷ đồng thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông; trên 2.300 tỷ đồng để thực hiện 102 dự án hạ tầng văn hóa-xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển dịch vụ, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đến nay, thu nhập bình quân của huyện đạt 70 triệu đồng/người, tăng 8 triệu đồng so với năm 2020. Giá trị sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đạt 252 triệu đồng/ha, tăng 7 triệu đồng/ha so với năm 2020. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 87,6%, 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 97% người dân được sử dụng nước sạch đô thị...

Tính đến nay, 15/15 xã của huyện Thanh Trì được công nhận chuẩn nông thôn mới nâng cao, về đích trước 2 năm và vượt chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch được giao đến năm 2025 có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao).
Nhằm phát huy kết quả trong xây dựng nông thôn mới cũng như khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; huyện đã xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng du lịch, phát triển quy mô, chất lượng du lịch, quảng bá văn hoá, truyền thống; giới thiệu hình ảnh quê hương đến với bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế huyện.

Huyện đã hoàn thành xây dựng hạ tầng và chỉ đạo các xã hoàn thiện hồ sơ, đề xuất và được UBND thành phố Hà Nội công nhận 2 điểm du lịch đầu tiên trên địa bàn huyện là điểm du lịch xã Yên Mỹ và điểm du lịch xã Đại Áng. Đây là tiền đề quan trọng, là cơ hội, điều kiện thuận lợi để hình thành các tuyến du lịch trên địa bàn huyện và kết nối du lịch với các địa phương lân cận, tương lai huyện Thanh Trì phấn đấu sẽ là điểm đến du lịch “an toàn-thân thiện-chất lượng-hấp dẫn” đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới.
Hoà chung không khí của buổi lễ, Sở NN-PTNT Hà Nội cũng tổ chức khai mạc Hội chợ giống - vật tư thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, OCOP, sản phẩm làng nghề.

Phát biểu tại chương trình, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Hội chợ giống vật tư thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, OCOP, sản phẩm làng nghề là một trong các hoạt động thiết thực chào mừng 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890-19.5.2023), 63 năm thành lập huyện Thanh Trì (31.5.1961-31.5.2023).
Hội chợ lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ hội giúp các chủ thể, các doanh nghiệp, các hộ sản xuất tăng cường kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, tiếp cận thị trường. Nhất là việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP... Đồng thời đây cũng là cơ hội giúp các chủ thể, doanh nghiệp và cộng đồng tăng cường kết nối giao thương, trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm; trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số, tiếp cận với công nghệ tiên tiến và tiến bộ kỹ thuật mới, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững.

Hội chợ có ý nghĩa quan trọng khi đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế khu vực nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Hội chợ thu hút sự tham gia của 25 tỉnh, thành phố trong cả nước như Thái Nguyên, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương... với hơn 100 gian hàng về giống - vật tư thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề và khu trưng bày giống vật tư, hoa, cây cảnh tham gia.

Với trên 2000 sản phẩm của Hà Nội và các tỉnh, thành phố quy tụ về Thủ đô tham gia hội chợ đã giúp thỏa mãn nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Hội chợ giống - vật tư thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, OCOP, sản phẩm làng nghề lần này được tổ chức trong thời gian 4 ngày, từ ngày 18.5 đến ngày 21.5.