Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ VII (2015 - 2020) và phương hướng công tác nhiệm kỳ VIII (2020 - 2025), GS. TSKH. Tô Ngọc Thanh cho biết, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhiệm kỳ VII cho biết: Nhiệm kỳ Đại hội VII đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, trong đó quan trọng nhất là thực hiện các nhiệm vụ chiến lược của Hội. Đó là sưu tầm - nghiên cứu di sản văn hóa - văn nghệ dân gian các tộc người Việt Nam. Về công tác sưu tầm, Dự án Công bố, phổ biến tài sản văn hóa - văn nghệ dân gian Việt Nam đã xuất bản 2.500 công trình - tác phẩm, chọn lọc trong tổng số gần 4.000 công trình sưu tầm nghiên cứu, là thành quả lao động miệt mài của hơn 1.000 hội viên trong suốt 30 năm. Còn lại hơn 1.000 tác phẩm, công trình chưa được xuất bản, Văn phòng Hội đang lưu giữ và bảo quản.
Trong nhiệm kỳ qua, Hội cũng góp phần hoàn thiện hồ sơ Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam, Hát xoan Phú Thọ và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong nhiệm kỳ tới, Hội đặt ra phương hướng nâng cao tinh thần trách nhiệm và tình yêu với hoạt động nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian của 54 dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam của toàn thể hội viên, tiếp tục sưu tầm những biểu hiện văn hóa chưa sưu tầm được, chuyển mạnh sang khám phá những giá trị, quy luật tư duy sáng tạo của ông cha đang còn tiềm ẩn trong các tác phẩm, phong tục, biểu tượng... nhằm nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian phục vụ cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.
Hội sẽ đầu tư sáng tạo có trọng tâm cho các chủ đề, đề tài cụ thể theo phương thức đặt hàng, chú ý đến các lĩnh vực và đề tài chưa hoặc ít có công trình đã làm; xây dựng đề tài và cơ chế bảo tồn, truyền bá các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian; công bố giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn hóa, văn nghệ dân gian có chất lượng...
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đánh giá cao việc Hội đã động viên hội viên tập trung sưu tầm, biên soạn, dịch thuật gần 4.000 công trình về văn hóa, văn nghệ dân gian trong đó có công trình với quy mô lớn, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát triển văn hóa, du lịch ở các địa phương. Số công trình này đã xuất bản một phần lớn trong Dự án “Công bố và phổ biến tài sản văn hóa-văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam”, được dư luận xã hội và hội viên đánh giá cao. Hội cũng đã tập trung đầu tư các công trình sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân gian biển đảo nhằm góp phần khẳng định chủ quyền, lãnh thổ biển đảo của Việt Nam như: “Văn hóa dân gian biển đảo miền Trung”, “Hải trình Nam - Bắc, Bắc - Nam”, “Vè các lái”…
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đề nghị trong nhiệm kỳ tới, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tập trung thực hiện những nội dung quan trọng: Tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn học nghệ thuật như Nghị quyết 23-NQ/TW, Nghị quyết 33-NQ/TW, Kết luận 76-KL/TW, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của tổ chức Hội và hội viên, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội VIII của Hội. Tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng và phát triển bền vững văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng tình hình mới, yêu cầu mới hiện nay, hoàn thiện xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, Hội đánh giá đúng tình hình hoạt động trong những năm qua, đúc rút kinh nghiệm, tập trung trí tuệ, trách nhiệm để xây dựng phương hướng, nhiệm vụ của Hội trong nhiệm kỳ tới với những hoạt động hiệu quả, thiết thực. Xử lý hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc với phát triển kinh tế, du lịch bền vững, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Chú trọng đổi mới phương thức hoạt động hội gắn với đặc trưng, đặc thù của Hội, huy động các nguồn lực để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian, dân tộc. Xây dựng các đơn vị cơ sở của Hội thành những đơn vị vững về chuyên môn, có tinh thần đoàn kết để hoàn thành nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu, nhằm lưu giữ và phát huy những di sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam có giá trị, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trực tiếp là ngành công nghiệp du lịch.
Hội cũng cần tập trung biên soạn, chọn lọc trong số hơn 1.500 bản thảo công trình chưa xuất bản, bổ sung những công trình mới có chất lượng, có giá trị để đề xuất tiếp tục thực hiện Dự án “Công bố và phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam”, nhằm bảo tồn và phát huy đầy đủ những giá trị tinh hoa của văn hóa dân tộc. Trên cơ sở đó góp phần quảng bá vốn văn hóa, văn nghệ dân gian độc đáo của các dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế...
Đại hội bầu 13 thành viên vào Ban Chấp hành Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhiệm kỳ VIII (2020 - 2025), trong đó GS.TS. Lê Hồng Lý được bầu làm Chủ tịch.