Di sản hang động Tây Nguyên

Giao thoa tự nhiên, lịch sử và văn hóa

Lần đầu tiên, giới khoa học Việt Nam đã phát hiện ra di tích cư trú của người tiền sử trong các hang động núi lửa Tây Nguyên. Những phát hiện mới, cùng với các giá trị về địa chất, sinh thái đã đặt ra vấn đề khai thác và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa và tự nhiên của di sản này.

Phát hiện “ngoài sức tưởng tượng”

 “Việc phát hiện khảo cổ tại hang động núi lửa Krong No là một chứng cứ khoa học thuyết phục, có giá trị để bổ sung đầy đủ, chi tiết hơn vào hồ sơ trình UNESCO xem xét công nhận danh hiện toàn cầu đối với Công viên địa chất núi lửa Krong Nô, Đắk Nông, và đối với du khách, đây sẽ là một trong những điểm tham quan thú vị mới”.

PGS. TS. Nguyễn Trung Minh, Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam

Tại Hội nghị thông báo kết quả khai quật sơ bộ bước đầu tại hang động núi lửa Krong Nô, tỉnh Đắk Nông, do Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và Chương trình Tây Nguyên 2016 - 2020 phối hợp tổ chức tại Hà Nội, PGS. TS. Nguyễn Trung Minh, Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho biết: Việc phát hiện di tích cư trú của người tiền sử trong các hang động núi lửa, với khối lượng tư liệu phong phú, đa dạng, được bảo tồn nguyên vẹn, bổ sung một loại hình cư trú mới, một kiểu thích ứng mới của cư dân tiền sử ở vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên.

Theo đó, kể từ năm 2015 về trước đã phát hiện một số di chỉ, hiện vật khảo cổ ở Tây Nguyên, nhưng chưa có di chỉ, di vật nào được phát hiện trong hang động núi lửa. Từ đầu năm 2017, thực hiện dự án “Xây dựng bộ sưu tập mẫu vật quốc gia về thiên nhiên Việt Nam” do Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, các nhà nghiên cứu đã phát hiện nhiều di tích và di vật khảo cổ với mật độ khá dày trong hang động núi lửa Krong Nô. Tháng 8.2017, Chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2020 đã giao Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thực hiện đề tài khoa học - công nghệ cấp nhà nước “Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên, lấy thí dụ hang động núi lửa ở Krong Nô, Đắk Nông”. Đề tài nghiên cứu sâu các di sản phân bổ trong hang động núi lửa trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên, như khảo cổ, di tích lịch sử, đa dạng sinh học... Trong đợt khai quật khảo cổ năm 2018 tại hang động núi lửa Krong Nô, bước đầu đã thu được những kết quả quan trọng: Các di vật khảo cổ được phát hiện nhiều và đa dạng, đặc biệt có hiện vật đồ đá, đồ gốm và xương răng động vật, trong đó có dấu tích người tiền sử sống cách ngày nay khoảng 7.000 năm.

Một số hiện vật được phát hiện tại hang động núi lửa Tây Nguyên Ảnh: Th. Nguyên
Một số hiện vật được phát hiện tại hang động núi lửa Tây Nguyên  Ảnh: Th. Nguyên

Các nhà khoa học tham gia đề tài đều cho rằng, kết quả khảo sát ngoài sức tưởng tượng. PGS. TS. Nguyễn Khắc Sử, Hội Khảo cổ học Việt Nam, người chủ trì khai quật đợt 1 cho biết: Qua các nguồn tư liệu, có thể ghi nhận bước đầu về lịch sử chiếm lĩnh và làm chủ vùng đất núi lửa của cư dân tiền sử, về quá trình phát triển văn hóa các cộng đồng cư dân trong mối tương quan với biến động môi trường, trong giao lưu và hội nhập với các nền văn hóa khác ở Tây Nguyên. Việc phát hiện này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bởi đây là những phát hiện khảo cổ học người tiền sử đầu tiên trong hang động núi lửa ở Tây Nguyên. Hơn thế nữa, đối với giới khoa học, đây là một phát hiện gây chấn động, bởi Krong Nô là một trong những hang động núi lửa lớn nhất và duy nhất phát hiện dấu tích sự sống con người thời tiền sử ở Đông Nam Á và hiếm gặp trong hang động núi lửa trên thế giới.

Bảo tồn tại chỗ

Từ những phát hiện ấy, theo các nhà khoa học, cần nhìn nhận lại vị trí của di sản hang động Tây Nguyên với các giá trị về tự nhiên và lịch sử, văn hóa. TS. La Thế Phúc, chủ trì đề tài “Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng, bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên, lấy thí dụ hang động núi lửa ở Krong Nô, Đắk Nông” cho rằng: Di chỉ khảo cổ hang động núi lửa ở đây là di sản độc đáo duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á, cần có hành lang pháp lý bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Trước mắt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Nông cần sớm lập hồ sơ xếp hạng cấp tỉnh, tiến tới cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt.

Để hiện vật khai quật được bảo quản lưu giữ trong điều kiện tối ưu để sử dụng lâu dài, các nhà nghiên cứu đã chế tác phiên bản với hiện vật quý hiếm, độc bản, phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục và trưng bày bảo tàng ngoài trời, bảo tồn tại chỗ. Việc phục dựng, tái hiện môi trường sinh cảnh của người tiền sử trong hang động, phục vụ công tác bảo tồn và trưng bày để khai thác du lịch, cũng đang được nghiên cứu.

Hang động trên thế giới từ lâu đã trở thành tài nguyên đặc biệt quý, là nơi hội tụ, giao thoa lịch sử phát triển của địa chất kiến tạo, sinh thái tự nhiên, lịch sử văn hóa của mỗi dân tộc, chủng tộc trên thế giới. TS. Nguyễn Đình Kỳ, Phó Chủ tịch Thường trực Chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2020 khẳng định: Giá trị tài nguyên của hang động không chỉ là du lịch, mà còn như những phòng thí nghiệm, bảo tàng... Với hang động núi lửa Tây Nguyên, kết quả khai quật vừa rồi đã thể hiện cả chiều cạnh phát triển địa chất, sinh thái, cả văn hóa, lịch sử. Từ những lý do đó, Ban chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên đã giao cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam nghiên cứu giá trị hang động núi lửa và đề xuất giải pháp quy hoạch, bảo tồn tại chỗ; bên cạnh đó, cũng đặt ra nhiều câu chuyện mà Tây Nguyên sẽ phải bàn, phải làm, để “mở cửa” Tây Nguyên, khai thác chuỗi giá trị hang động độc đáo này.

Văn hóa

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.

Bộ đội Trường Sơn đẩy mạnh công tác hậu cần cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, cứu nước
Văn hóa - Thể thao

Tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, công tác bảo đảm hậu cần đóng vai trò quan trọng; lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội ta huy động lực lượng lớn, hiệp đồng quân, binh chủng tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công.

Tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành lần thứ hai
Văn hóa - Thể thao

Tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành lần thứ hai

Tối 22.4, tại trục đường Lê Duẩn, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, Tiểu ban diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) tổ chức tổng hợp luyện lần cuối trước khi sơ duyệt và tổng duyệt cấp Nhà nước của các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm.