Sáng 9.6, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Lễ trao bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy năm 2023 cho hơn 1.300 tân cử nhân.
“Giáo dục là để mỗi người được lớn lên theo những gì họ có”
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội gửi lời chúc mừng các tân cử nhân đã hoàn thành khóa học, nhiều em đã đạt được những kết quả tuyệt vời trong học tập và rèn luyện.
“Đây là hành trang quý giá cho tương lai. Thầy kỳ vọng các em sẽ là những người đi để thay đổi cuộc đời vì những gì tốt đẹp”, GS Minh nói.
Theo thầy Minh, đời sống hiện nay đã có nhiều đổi thay đáng mừng, nhưng trọng trách của những người làm giáo dục là đồng hành để thay đổi tốt hơn đến mỗi con người, đến từng số phận. Các tân cử nhân sẽ là những người làm cho bức tranh giáo dục sáng hơn, mỗi con người tốt hơn và mang năng lượng tích cực hơn đến với cuộc sống.
Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tâm sự đầy xúc động, điều ông luôn đau đáu, trăn trở, có khi đau xót là về lẽ sống, về yêu thương, về sự biết ơn và về những điều dường như ta đang vô tình dần đánh mất. Có thể cuộc sống chuyển động quá nhanh, cũng có thể vòng xoáy của cuộc đời cuốn ta vào cuộc, rồi ta không còn thời gian dành cho những điều tưởng chừng bé nhỏ nhưng rất đỗi đáng yêu.
“Có xót xa không khi có học sinh phải chịu đựng trong cô đơn và đơn độc giã biệt cuộc đời? Có đau đớn không khi con cái trưởng thành rồi chỉ biết sống cho riêng mình, mặc cho mẹ cha trong cảnh cùng khốn khó? Có đáng suy ngẫm không khi ai đó dắt tay bà cụ sang đường như là biểu tượng của việc làm tử tế, mà lẽ ra đó là việc bình thường của một con người tử tế? Lẽ nào thiếu vắng đến thế chăng?
Và lẽ nào chúng ta bình tâm khi những đồng nghiệp của chúng ta hằng ngay đi qua những cung đường hiểm trở, đánh cược cuộc đời vì những trẻ thơ? Và chúng ta nghĩ gì, khi những đứa trẻ chen nhau trong những mái tôn ngày hè oi bức, đường đến trường với bước chân trần? Có nặng lòng không khi trẻ đến trường như một sự sợ hãi, lo âu?... “, GS Minh đặt câu hỏi.
Ông nhấn mạnh, xin đừng lý luận rằng, đó là cá biệt. Hãy nhớ rằng, mỗi con người là một thế giới để yêu thương và phải được yêu thương. Hãy nhớ rằng giáo dục là để mỗi người được lớn lên theo những gì họ có và làm một việc tốt như là lẽ tự nhiên của mỗi con người, không phải chờ người ta quay phim, chụp ảnh, biểu dương, khen thưởng. Và hãy nhớ rằng, cháy rừng có thể chỉ bắt đầu bằng một đốm lửa nhỏ nhoi.
“Thầy mong muốn các em hãy đi đến tận cùng của cuộc sống, chạm đến đáy sâu tâm can của những kiếp người để không thờ ơ và trở thành vô cảm, để những gì chân chính trội lên. Thấu hiểu không phải để rồi bi lụy, mà để nhen nhóm dần cái tốt đẹp bằng việc mình làm và đừng bao giờ để con tim mình nguội lạnh ”, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ với sinh viên.
Gửi lời cảm ơn tới phụ huynh của các em sinh viên, thầy Minh cũng nhắn nhủ các em hãy biết tri ân cha mẹ.
“Dù mẹ cha, có khi không phải ai cũng được học hành đến nơi đến chốn, nhưng đức hy sinh và cái tâm của họ thì đáng trân trọng đến nhường nào! Không phải học thật cao mới trở thành người tử tế.
Các em hãy trân quý, nâng niu những bàn tay thô ráp, những lời nói vụng về và thật thà như đất, những lam lũ vì con mà chẳng biết nói thành lời. Cha mẹ nhiều em có khi chưa từng biết bánh ga tô, không biết thắp nến cho các em ngày sinh nhật, nhưng họ lặng thầm thức trắng đêm, vỗ về khi con trái gió trở trời”, thầy Minh nói và nhấn mạnh, đằng sau thành công dù nhỏ bé của mỗi con người là mồ hôi, nước mắt và nhọc nhằn của cha, của mẹ. Hãy biết ơn mẹ cha thì mới ân nghĩa được với cuộc đời.
Thầy cô hãy gạt bỏ tư tưởng biến đứa trẻ thành chuyên gia xuất sắc
GS.TS Nguyễn Văn Minh cũng khẳng định, thiếu vắng tình yêu thương thì sống ở đời đã khó, làm nghề giáo thì khó biết nhường nào.
Ông bày tỏ mong muốn, khi ra đời, các tân cử nhân sư phạm hãy dạy cho trẻ biết thương cha thương mẹ, biết ơn những đồng chua nước mặn, những nhọc nhằn để có bát cơm; biết sẻ chia với những phận đời không may mắn và vị tha với những lỗi lầm, sau đó mới dạy trẻ những tình yêu lớn lao hơn thế.
Bên cạnh đó, dù không thể thờ ơ với những thành công của công nghệ, nhưng các em cần nhớ rằng, một con người thiếu đi tình yêu thương thì tương lai trở thành bất định.
Hãy dạy cho trẻ cách ứng xử trong môi trường số sao cho đúng mức và văn minh trước khi dạy các em làm những điều cao siêu hơn thế. Đừng để tiến bộ của công nghệ trở thành nỗi sợ hãi ám ảnh trong mỗi gia đình và trong hoảng loạn của mỗi con người.
“Các em hãy là người bảo vệ tuổi thơ cho trẻ. Đừng để việc học đánh mất sự ngây thơ của trẻ; nhắn với phụ huynh rằng, tuổi thơ là tuổi thần tiên; hãy hỏi trẻ đi học có vui không thay vì hỏi hôm nay con được bao nhiêu điểm? Đừng để trẻ con mơ ước chúng trở thành chiếc điện thoại thông minh vì cha mẹ chúng dành nhiều thời gian cho màn hình điện thoại hơn dành cho chúng.
Thêm một nhúm kiến thức không trở thành người nổi tiếng. Bồi đắp thêm tình yêu thương với con người, với thiên nhiên, làng xóm là bệ phóng của tương lai. Đánh mất sự hồn nhiên, trong sáng của trẻ thơ là có tội. Nguyên sơ là gốc thánh thiện của con người”, thầy Minh nói.
Thầy nhắn nhủ các thầy giáo, cô giáo tương lai hãy cố giữ cho trẻ thơ cánh diều vút cao trên đồng làng ngập gió, giữ cho sự vô tư choán năm tháng tuổi thơ ngây.
Hãy gạt bỏ tư tưởng biến đứa trẻ thành chuyên gia xuất sắc, mà luôn nhớ rằng giáo dục trẻ để chúng biết yêu thương, biết quan tâm, biết sẻ chia với những người gần gũi. Hãy nhắn với phụ huynh rằng, đừng bắt con cái mình chín ép và trở thành công cụ thực hiện tham vọng của mình.
Các em sẽ là người đi tạo dựng niềm tin. Niềm tin không đến từ những lời hoa mỹ, phô trương; không đến từ sách vở đơn thuần. Niềm tin phải được bắt đầu từ cách ứng xử và việc làm. Sức mạnh của giáo dục là cảm hóa và phải bắt đầu từ cảm hóa chứ không phải bắt đầu bằng trừng phạt, hành hình.
Cảm hóa bắt đầu bằng tình yêu thương và tha thứ; bằng những thấu hiểu để chạm đến con tim, để khơi lên gốc sâu của lòng trắc ẩn. Một cái nắm tay khi người ta bất lực hơn vạn lần những buổi liên hoan. Các em sẽ là những người tạo ra một nhà trường đầy ắp yêu thương, để mỗi trẻ cảm nhận bình yên và ước mong được đến trường.
Thầy Minh cũng tâm sự, ông thấu hiểu rằng, mai này ra đời, các tân cử nhân có thể đứng trước vấn đề thu nhập rất khiêm tốn, vẫn phải lo cái ăn, cái mặc, phải chạy vạy sớm hôm. Ai cũng biết, khi người thầy sống trong điều kiện thiếu thốn giữa một môi trường có mức sống trung bình cao hơn thì làm sao mà toàn tâm toàn ý cho công việc của mình. Nhưng ngày một, ngày hai cũng khó lòng có được.
Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ mong mỏi, thay vì rầm rộ tuyên dương, thay vì những lời ngợi ca cao quý, hãy có những quyết sách sát sườn với nhà giáo để họ dành hết tâm sức cho công việc mà họ đau đáu cả đời.
Nhắn nhủ thêm tới các tân cử nhân trong buổi lễ tốt nghiệp, thầy Minh tâm sự, hiện nay, vẫn còn không ít nơi trẻ thơ còn thiếu ăn, thiếu mặc; vẫn còn không ít nơi những đứa trẻ được bao bọc trong nhung lụa đến mức chẳng biết làm gì ngoài đòi ăn ngon, mặc đẹp và đến trường như một nghĩa vụ vì bố mẹ. Giáo dục là chuẩn bị để mỗi người tìm ra những điều mới mẻ và sẵn sàng ứng phó với mọi sự thay đổi.
“Thầy tin vào một thế hệ mới của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội luôn đi trước thời đại và trong mọi hoàn cảnh các em đều là người chiến thắng. Các em là những người làm thay đổi nền giáo dục đất nước”, ông nói.