Ngày 20.11, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN tổ chức lễ Chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam, với sự tham dự của nhiều thế hệ lãnh đạo, nhà khoa học, giảng viên, cán bộ của nhà trường và các đơn vị đối tác.
Phát biểu chúc mừng tại buổi lễ, GS.TS. Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường đã có những tâm sự về vấn đề “Trí tuệ Cảm xúc Nhân văn” hay "Lòng Thấu cảm Nhân văn”.
Theo GS.TS. Hoàng Anh Tuấn, Nhân văn là Trí tuệ. Hành trình 28 năm Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN xây dựng và phát triển trên nền tảng Truyền thống Văn khoa (1945) - Tinh hoa Tổng hợp (1956), để tạo nên dáng vóc của một Trường Nhân văn hôm nay: vẫn kinh viện nhưng đầy hội nhập, vừa không đứt gãy học thuật, lại không lạc lõng với nền đại học số đương đại. Hành trình 28 năm này đủ để thể hiện Trí tuệ Nhân văn.
"Chưa đầy một tháng trước, Tổ chức QS - World University Ranking by Subjects đã xếp hạng lĩnh vực khoa học xã hội của ĐHQGHN vào tốp 501-600 của thế giới. Đây là một minh chứng đơn giản mà tự hào về vị thế và danh tiếng của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trên bản đồ đại học trong nước và quốc tế.
Xin cảm ơn tất cả các thế hệ nhà giáo, viên chức, người học đã chung tay làm nên vị thế của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hôm nay! Xin chúc mừng nhà trường và tất cả chúng ta", GS.TS. Hoàng Anh Tuấn nói.
Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN cũng khẳng định, Nhân văn là Thấu cảm. Lòng Thấu cảm hòa quyện giữa Trí tuệ và Nhân bản.
"Chúng ta xúc động khi ngày càng nhiều cán bộ chia sẻ rằng: ở Nhân văn ngày càng nhiều sự thấu cảm, nhẹ nhàng và tự nhiên đến độ có thể cảm nhận thấy “Nhân ái gần kề - Trí tuệ thật dễ”. Chúng ta tin điều đó và chúng ta mong điều đó sẽ còn lan tỏa mạnh mẽ hơn ở ngôi trường Nhân văn này", GS.TS. Hoàng Anh Tuấn bày tỏ.
Ông chia sẻ, đôi khi lướt qua Facebook của thầy cô và sinh viên, ta có thể cảm nhận được những góc cảm xúc bình dị mà sâu lắng.
"Vừa mới hôm kia, tôi đọc được status (bài đăng trên mạng xã hội) của một cô giáo viết về mảnh áo dài đồng phục “vải gấm dệt chìm logo USSH” mà Công đoàn nhà trường thiết kế cho cán bộ nữ. Status vỏn vẹn 23 chữ mà mênh mông cảm xúc.
Đọc status của đồng nghiệp, tôi nhìn vào logo “USSH Hanoi” thêu trên ngực áo sơ mi mình đang mặc, bất giác cảm thấy cổ áo thêm vừa, vải áo thêm mềm và dáng áo thêm sang. Dòng chữ “Tự hào và mến yêu Nhân văn” mà cô giáo công khai thổ lộ trên Facebook khiến tôi thấy mình trân trọng hơn chiếc áo sơ mi mang logo “USSH Hanoi” mà tôi đang mặc - giống như các cô giáo hân hoan đầy nhân ái và các nữ viên chức Nhà trường đang lan tỏa", thầy Tuấn nói.
GS.TS. Hoàng Anh Tuấn cũng kể lại câu chuyện khoảng 2 tuần trước, trên trang Confessions của trường, có một status của sinh viên viết về khoảnh khắc thật đẹp mà một nữ chuyên viên trẻ nhà trường đã tạo nên, khi nhường đôi giày cao gót mình đang đi cho một em nữ sinh nhận bằng cử nhân chụp ảnh trong ngày mặc lễ phục tốt nghiệp.
Câu nói “Em đi size bao nhiêu? Đi tạm giày của cô nhé!” đã khơi dậy cảm xúc trí tuệ cho hàng nghìn sinh viên nhà trường. Và hình ảnh nữ cán bộ trẻ “đi chân đất tiếp tục làm việc” sẽ còn là hình ảnh đẹp nhất, cảm xúc nhất lắng đọng lại trong tâm trí sinh viên về ngôi trường Nhân văn qua nhiều năm nữa.
Theo thầy Tuấn, status áo dài của cô giáo và hành động nhường giày cao gót của nữ chuyên viên cho sinh viên chụp ảnh chỉ là hai trong số nhiều chục - hàng trăm cử chỉ cao đẹp chúng ta nghe và thấy ở Nhân văn hàng ngày. Còn rất nhiều lời nói đẹp, việc làm tốt của cán bộ…ở một môi trường khoa học và tình người như Nhân văn, mà cá nhân ông không thể kể hết trong một bài phát biểu.
Đó là các thầy cô đang từng ngày cập nhật bài giảng, đổi mới phương pháp dạy học… để bài giảng chất lượng hơn; đó là các viên chức hành chính đang không ngừng nỗ lực cải tiến quy trình và ứng dụng công nghệ để đảm bảo công việc theo tinh thần “Chuyên nghiệp - thân thiện - hiệu quả” đang được kỳ vọng.
"Thay mặt tập thể lãnh đạo nhà trường, cảm ơn tất cả thầy cô giáo và viên chức, người lao động đã chung tay, nỗ lực, tâm huyết, cống hiến…vì một ngôi trường Nhân văn vừa trí tuệ vừa nhân ái", GS.TS. Hoàng Anh Tuấn cho hay.
Cũng trong bài phát biểu, GS.TS. Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, cuộc sống biến đổi hằng xuyên, giáo dục đại học thay đổi từng ngày. Ông bày tỏ mong muốn, mỗi viên chức - người lao động nhà trường luôn cố gắng hài hòa giữa cập nhật tri thức chuyên môn với nuôi dưỡng khả năng thấu cảm.
Thấu cảm vốn dĩ là một khả năng bẩm sinh, có thể được nhân lên thông qua trải nghiệm và tư duy tích cực: từ Thấu cảm Nhận thức (chúng ta chia sẻ công việc thường nhật) qua Thấu cảm Cảm xúc (chúng ta làm việc với sự đồng cảm và sẻ chia) để đạt đến Thấu cảm Trắc ẩn (chúng ta gắn thêm hành động và sự giúp đỡ).
Làm được điều đó, ngôi trường Nhân văn sẽ còn “mới” - “khác” - “tốt” hơn nữa; cơ đồ chung Nhân văn sẽ càng thêm rạng rỡ - vẻ vang.
"Tôi cũng mong lãnh đạo cấp trên và các đối tác thân thiết của nhà trường (các giáo sư thỉnh giảng, các nhà hảo tâm…) tiếp tục ủng hộ cả tinh thần và vật chất để nhà trường tiếp tục đổi mới và phát triển theo tinh thần khoa học - dân tộc - hội nhập", ông chia sẻ thêm.
Một số hình ảnh tại lễ kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN: