- Chi phí đào tạo một tiến sĩ ở Việt Nam trung bình khoảng 16 triệu đồng/năm, quá thấp
- Số lượng thạc sĩ, tiến sĩ của Việt Nam quá thấp, chưa bằng 1/3 các nước trong khu vực
- Hàng loạt tân tiến sĩ Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là tác giả chính của nhiều công bố quốc tế
- Lương thấp, Bộ GD-ĐT đưa ra giải pháp gì để ngăn tiến sĩ trẻ bỏ nghề?
Không có trường hợp nào Bộ GD-ĐT phải thành lập hội đồng thẩm định lại luận án
Theo Bộ GD-ĐT, qua thẩm định luận án và hồ sơ của nhiều cơ sở đào tạo trong 10 năm trở lại đây, đến nay không có trường hợp nào Bộ GD-ĐT phải thành lập hội đồng thẩm định lại luận án. Chỉ có 02 trường hợp phải sửa chữa lại luận án theo yêu cầu của người thẩm định, trong đó có trường hợp luận án NCS Đặng Hoàng Anh của Viện Khoa học Thể dục thể thao với đề tài “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La”.
Bộ GD-ĐT đã nhận được kết quả 01 nhà khoa học đánh giá không đạt yêu cầu, 02 người thẩm định khác thông qua nhưng yêu cầu chỉnh sửa nhiều nội dung luận án.
Theo quy định, do luận án đã nhận được 2/3 nhận xét thông qua có sửa chữa, Bộ GDĐT đã gửi ý kiến thẩm định về Viện Khoa học Thể dục thể thao để xử lý theo thẩm quyền.
Về quy trình, chất lượng, hoạt động đánh giá thẩm định, việc kiểm tra thẩm định lại chất lượng luận án, việc công nhận và cấp bằng tiến sĩ, theo Bộ GD-ĐT,quy định tại Quy chế 10, Quy chế 08 và Quy chế 18 của Bộ GD-ĐT, việc đánh giá luận án phải tuân thủ quy trình như sau: đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn, gửi luận án để lấy ý kiến nhận xét của phản biện độc lập và bảo vệ luận án tại Hội đồng cấp cơ sở đào tạo (trường/viện).
Quy định tại các quy chế của Bộ GDĐT yêu cầu người phản biện luận án là những nhà khoa học, chuyên gia ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài, có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và chuyên môn phù hợp với đề tài nghiên cứu của luận án.
Thành viên Hội đồng đánh giá luận áncấp cơ sở đào tạo phải là những nhà khoa học có tiêu chuẩn như người hướng dẫn, trong đó Chủ tịch Hội đồng phải là giáo sư hoặc phó giáo sư ngành phù hợp với chuyên môn của đề tài luận án.
Việc yêu cầu cơ sở đào tạo đăng tải thông tin bảo vệ luận án, nội dung toàn văn luận án trên trang thông tin của Bộ GDĐT (Quy chế 10), của các cơ sở đào tạo trước (Quy chế 10) và sau (Quy chế 10, Quy chế 18, Quy chế 08) khi bảo vệ luận án đã bổ sung thêm một kênh công khai, minh bạch hóa thông tin để tiếp nhận sự phản hồi, phản biện của xã hội và của những ai quan tâm đến đề tài luận án.
Việc Bộ GDĐT thẩm định chất lượng luận án và hồ sơ quy trình đào tạo NCS được thực hiện căn cứ vào báo cáo danh sách NCS của cơ sở đào tạo đã bảo vệ thành công luận án tại Hội đồng đánh giá luận án cấp cơ sở đào tạo định kỳ 02 tháng một lần. Bộ GDĐT sẽ lựa chọn thẩm định ngẫu nhiên nội dung một số luận án tiến sĩ hoặc hồ sơ quá trình đào tạo (không ít hơn 30% của danh sách theo Quy chế 10, tối đa 20% theo Quy chế 08 và khi có phản ánh, khiếu nại hoặc tố cáo hay theo yêu cầu của công tác quản lý, kiểm tra và giám sát theo Quy chế 18).
Bộ GD-ĐT cho biết, quy trình và yêu cầu thẩm định hồ sơ hoặc chất lượng luận án của Bộ GDĐT được thực hiện theo các quy chế đã ban hành. Hồ sơ quá trình đào tạo NCS đủ minh chứng bảo đảm việc tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo và quy trình tổ chức đánh giá luận án đáp ứng quy định của cơ sở đào tạo và của Bộ GDĐT, chất lượng luận án được tối thiểu 02/03 phản biện do Bộ GDĐT mời thẩm định có ý kiến đồng ý về chuyên môn được xác định là đạt yêu cầu.
Đối với những luận án không đạt yêu cầu, Bộ GDĐT thành lập Hội đồng thẩm định luận án để xem xét, đánh giá và quyết nghị về chất lượng luận án; ủy quyền cơ sở đào tạo tổ chức họp Hội đồng thẩm định luận án có sự giám sát của đại diện Bộ GDĐT.
Chất lượng đề tài thấp, mất cân đối ở các ngành đào tạo
Bộ GD-ĐT thừa nhận, bên cạnh những thành tựu và sự nỗ lực cố gắng nói chung, công tác đào tạo tiến sĩ ở trong nước vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định. Chất lượng đào tạo không đồng đều trong hệ thống. Việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo trình độ tiến sĩ ở một số cơ sở vẫn để xảy ra sai phạm nhưng chưa được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời như Học viện Khoa học Xã hội.
Chất lượng một số công bố khoa học bắt buộc chưa cao, chỉ ở mức đối phó đủ điều kiện, chưa đáp ứng yêu cầu về khoa học và thực tiễn.
Cá biệt còn có sự nể nang, dễ dãi khi thành lập hội đồng đánh giá luận án, thông qua một số đề tài luận án tiến sĩ có phạm vi quá hẹp tương tự một báo cáo tổng kết, chưa bảo đảm giá trị khoa học và chưa đủ tầm của một luận án tiến sĩ như đã gây tranh cãi trong dư luận xã hội vừa qua như Viện Khoa học Thể dục thể thao, tạo dư luận xấu đối với người được nhận bằng tiến sĩ ở trong nước, người hướng dẫn và hội đồng đánh giá luận án, làm giảm uy tín của cơ sở đào tạo, lãng phí nguồn lực của chính cơ sở đào tạo và của xã hội.
Quy mô và cơ cấu đào tạo tiến sĩ cònbất cập, chưa đáp ứng yêu cầu cân đối và đồng bộ với sự phát triển kinh tế - xã hội. Số lượng NCS phân bố không đều ở các ngành đào tạo tạo ra sự quá tải và hẫng hụt ở một số ngành đào tạo, không đáp ứng được yêu cầu phát triển đồng bộ giữa các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và các hướng kỹ thuật, công nghệ ưu tiên.
Trước yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, những hạn chế nói trên càng thể hiện rõ nét trong thực tế đào tạo tiến sĩ ở trong nước.
Nhiều chương trình đào tạo tiến sĩ không phù hợp với thị trường lao động
Nguyên nhân của những hạn chế trên, theo Bộ GD-ĐT, việc thực hiện tự chủ về đào tạo tiến sĩ khi chưa kịp đổi mới cơ chế quản trị, thiếu sự minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo đã dẫn đến những bất cập trong đào tạo tiến sĩ. Một số cơ sở đào tạo là các viện nghiên cứu còn chưa ban hành quy chế đào tạo của cơ sở hoặc ban hành theo cách chép y nguyên quy chế của Bộ GDĐT, chưa thể hiện vai trò và chức năng tự chủ, trách nhiệm giải trình trong chuyên môn theo Luật định.
Thực tế triển khai cũng cho thấy, số ít cơ sở đào tạo vẫn chưa tuân thủ chặt chẽ quy chế của Bộ GDĐT, việc quản lý NCS còn lỏng lẻo, chưa chú trọng đến việc tổ chức sinh hoạt khoa học định kỳ để giám sát kết quả và chất lượng nghiên cứu theo tiến độ của NCS.
Năng lực và hiệu quả của người hướng dẫn bị hạn chế về đề tài, dự án nghiên cứu và nguồn kinh phí hỗ trợ cho NCS trong quá trình làm luận án tiến sĩ. Ở nhiều cơ sở đào tạo, tiềm lực nghiên cứu cả về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất vừa yếu, vừa thiếu, chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu và thực hiện luận án tiến sĩ theo hình thức chính quy của NCS.
Nhiều chương trình đào tạo tiến sĩ có hệ thống học liệu lạc hậu, thiếu cập nhật. Nhiều học phần trong chương trình đào tạo tiến sĩ không còn phù hợp với xu thế phát triển của xã hội học tập, không đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của toàn bộ chương trình theo quy định của Thông tư 17.
Thậm chí, một số chương trình đào tạo không còn phù hợp với nhu cầu học tập của thị trường lao động. Việc xây dựng và ban hành chương trình đào tạo ở một số cơ sở còn chưa tuân thủ quy định của Bộ GDĐT, không bảo đảm đủ đội ngũ giảng viên cơ hữu duy trì ngành đào tạo.
Theo Bộ GD-ĐT, nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng trên là do hạn chế nguồn lực đầu tư là nguyên nhân quan trọng đầu tiên ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo tiến sĩ. Học phí đào tạo 01 tiến sĩ ở Việt Nam ở các trường đại học công lập hiện nay trung bình là 16 triệu VNĐ/năm cho các ngành trừ lĩnh vực y - dược (gần 32 triệu VNĐ/năm), thấp hơn rất nhiều so với học phí đào tạo tiến sĩ ở một số nước trong khu vực và trên thế giới như Anh 15.000 -16.000 Bảng/năm; Úc từ 22.000 - 40.000 AUD/năm; Hà Lan từ 13.000 - 20.000 EUR/năm; Singapore từ 20.000 - 25.000 SGD/năm; Mỹ từ 28.000 - 40.000 USD/năm.
Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, với đặc thù của đào tạo tiến sĩ là phải kết hợp chặt chẽ với nghiên cứu khoa học. Với chi phí đầu tư đào tạo tiến sĩ quá thấp như hiện nay ở Việt Nam thì các cơ sở đào tạo tiến sĩ ở trong nước khó có thể bảo đảm cho NCS có đủ điều kiện thuận lợi trong nghiên cứu cũng như tiếp cận những kết quả công bố khoa học mới nhất để tham khảo và nâng cao chất lượng luận án tiến sĩ.
Tuyển sinh gặp khó khăn
Thực tế trong một số năm trở lại đây, tuyển sinh trình độ tiến sĩ gặp khó khăn do sự bão hòa của thị trường lao động đối với nhu cầu lao động có trình độ tiến sĩ và do tác động của các quy định, quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ.
Bắt đầu từ năm học 2018 - 2019, tuyển sinh đào tạo tiến sĩ ở trong nước đã giảm đáng kể do yêu cầu đầu vào và chuẩn đầu ra tiến sĩ của Quy chế 08.
Năm học 2019 - 2020 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ do các cơ sở đào tạo xác định và công bố là 5.111 tuy nhiên toàn hệ thống chỉ tuyển được 1.274 NCS (tương đương 24,93% so với tổng chỉ tiêu đã xác định); năm 2020 - 2021, chỉ tiêu đào tạo trình độ tiến sĩ là 5.056 nhưng chỉ tuyển được 1.735 NCS (34,32%).
Bộ GD-ĐT cho biết, năm học 2021 - 2022, chỉ tiêu xác định là 5.524 và hiện Bộ GDĐT đang trong quá trình thu thập số liệu tuyển sinh từ các cơ sở đào tạo nhưng dự kiến số lượng tuyển sinh cũng không được như mong đợi.
Với quy mô đào tạo tiến sĩ hiện tại chỉ trên dưới 12.000 NCS, nếu tính tỷ lệ trên dân số thì Việt Nam chưa bằng 1/3 so với Malaysia, Thái Lan và 1/2 so với Singapore, Phillipnes, xấp xỉ 1/9 lần so với mức trung bình của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Xét về tỉ trọng trong tổng quy mô, đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam chỉ chiếm xấp xỉ 0,6%, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới (quy mô đào tạo tiến sĩ tính trung bình trong các nước OECD là 4% và của khối liên minh Châu Âu - EU cũng là 4%).
Tỉ trọng quy mô đào tạo tiến sĩ khối ngành STEM (Science - Khoa học, Technology - Công nghệ, Engineering - Kỹ thuật và Mathematic - Toán học) của Việt Nam còn thấp hơn nhiều và chỉ đạt xấp xỉ 0,3%. Xu hướng tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ ở trong nước giảm mạnh thời gian qua và tuyển sinh không cân đối ở một số ngành nghề sẽ là một trong những nguyên nhân gây ra sự thiếu hụt lớn về đội ngũ nhân lực trình độ cao ở một số ngành trong tương lai gần.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, tính đến năm 2022, toàn hệ thống có 267 ngành đào tạo ở trình độ tiến sĩ với 1.110 lượt ngành tại 196 cơ sở đào tạo, trong đó có 39 viện nghiên cứu do Thủ tướng Chính phủ thành lập và giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, có trường của tổ chức chính trị, lực lượng vũ trang và của bộ, ngành.
Giai đoạn 2012-2015, các cơ sở đào tạo tiến sĩ đã tuyển mới 9.907 NCS, và có 3.311 NCS được cấp bằng. Từ năm học 2016 - 2017 đến nay, theo số liệu báo cáo từ các trường, quy mô đào tạo, số tuyển sinh mới và cấp bằng tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo tiến sĩ trong cả nước như sau:
Quy mô và số lượng NCS tuyển mới và cấp bằng giai đoạn 2016- 8/2022
stt | Nội dung | 2016-2017 | 2017-2018 | 2018-2019 | 2019-2020 | 2020-2021 | 2021-2022 |
1 | Tuyển mới NCS | 2.882 | 3.074 | 1.496 | 1.274 | 1.735 | 1.661 |
2 | Quy mô NCS | 13.587 | 14.686 | 11.000 | 11.054 | 12.620 | 8.933 |
3 | Cấp bằng tiến sĩ | 1.234 | 1.547 | 1.798 | 1.568 | 1.735 | Đang tổng hợp |
Quy mô NCS đang học tập tại các cơ sở đào tạo tập trung nhiều vào các ngànhNhân văn, Khoa học xã hội và hành vi, Báo chí và thông tin, Dịch vụ xã hội, Khách sạn, Du lịch thuộc khối ngành VII, các ngành Kinh doanh và Quản lý thuộc khối ngành III là Kinh doanh và quản lý, Pháp luật và các ngành Kỹ thuật, Máy tính và công nghệ thông tin thuộc khối ngành V là Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng, Nông lâm và thủy sản, Thú y. Số lượng NCS ít nhất thuộc các ngành trong lĩnh vực Nghệ thuật (khối ngành II).
Quy mô NCS tính đến năm học 2021 -2022:
Học vị tiến sĩ là nhu cầu, mục tiêu chính đáng của những người làm việc tại các cơ sở GDĐH, cơ quan nghiên cứu và xây dựng chính sách, tổ chức phát triển công nghệ. Tuy nhiên, do xu hướng chạy theo bằng cấp trong tuyển dụng, bổ nhiệm nên ngày càng nhiều người không thuộc nhóm đối tượng trên cũng đi học tiến sĩ.