Nguyên nhân là do, Việt Nam có nhiều nguy cơ ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H7N9 về từ vùng có dịch tại Trung Quốc và nguy cơ có thể xuất hiện ổ dịch mới trên gia cầm nhiễm cúm A/H5N1, cúm A/H5N6.
Đó là nhận định được đưa ra trong cuộc họp rà soát tình hình dịch bệnh cúm gia cầm và đánh giá nguy cơ dịch tại Việt Nam trong thời gian tới, do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phối hợp với Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng các đơn vị liên quan và các Tổ chức quốc tế tổ chức họp đánh giá.
Cán bộ thú y tiêm phòng cho đàn gia cầm | Nguồn: TTXVN |
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình hình dịch cúm A/H7N9 đang có xu hướng gia tăng tại Trung Quốc từ tháng 10.2016 tạo thành đợt dịch thứ 5 kể từ năm 2013 với hơn 100 trường hợp mắc ở người, tập trung chủ yếu ở 04 tỉnh: Triết Giang, Quảng Đông, Giang Tô, An Huy - là các tỉnh đã từng ghi nhận các ổ dịch cúm A/H7N9 trong vài năm gần đây.
Các trường hợp mắc đều có tiền sử đi qua các chợ buôn bán gia cầm sống hoặc có tiếp xúc với gia cầm; chưa có bằng chứng về việc lây truyền dễ dàng từ người sang người.
Do Việt Nam có sự giao lưu thương mại, du lịch lớn với Trung Quốc, đặc biệt là với tỉnh Quảng Đông nơi đã ghi nhận nhiều ổ dịch cúm A/H7N9, do đó nguy cơ bị nhiễm virus cúm A/H7N9 nếu đến các khu vực có dịch.
Tại Việt Nam, theo thông tin từ Cục Thú Y (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), trong năm 2016 đã ghi nhận một số ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 tại một số hộ gia đình và đã được xử lý triệt để, kịp thời nên không có hiện tượng lây lan rộng trong cộng đồng.
Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy mầm bệnh cúm gia cầm cũng đã ghi nhận tại một số mẫu môi trường và gia cầm tại các chợ bán gia cầm sống nên có nguy cơ tiếp tục xảy ra ổ dịch mới trên gia cầm và có thể lây sang người nếu không không áp dụng các biện pháp dự phòng quyết liệt và triệt để.
Trong 2 năm 2015-2016, trên toàn quốc không ghi nhận trường hợp mắc cúm gia cầm ở người.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh cúm trên gia cầm và ở người có xu hướng gia tăng vào cuối năm và những tháng đầu năm, do trong dịp Tết nhu cầu sử dụng gia cầm và các sản phẩm của gia cầm gia tăng, sự giao lưu, thương mại gia tăng giữa các vùng, miền, quốc gia; trong khi đó mầm bệnh cúm gia cầm đang tồn tại trong môi trường.
Để chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cúm trên gia cầm và ở người, trong thời gian tới, Bộ Y tế cảnh báo người dân không được chủ quan, lơ là trước nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và dịp đầu năm 2017; phối hợp với các cơ quan chức năng như Hải quan, Công an, Bộ đội biên phòng... tăng cường kiểm tra việc nhập lậu giá cầm, xử lý việc vận chuyển, buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh đó, các đơn vị có liên quan tăng cường giám sát phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm và ở người, xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan; chủ động khai thác các bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp tiền sử đi về từ vùng dịch hoặc có tiếp xúc với gia cầm để áp dụng các biện pháp điều trị, quản lý một cách phù hợp.
Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của virus cúm gia cầm sang người trong dịp Tết nguyên đán Đinh Dậu và mùa lễ hội đầu năm 2017, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung: 1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. 2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. 3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. 4. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. |