Bộ không làm khó các trường đại học
- Quy chế tuyển sinh 2020 đưa ra nhiều quy định nghiêm ngặt với những trường đại học muốn tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng. Điều này có “làm khó” các trường không, thưa bà?
- Luật Giáo dục đại học cho phép các cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ rất lớn trong việc quyết định phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, việc Quy chế tuyển sinh 2020 bổ sung các điều kiện quy định với những trường muốn tổ chức tuyển sinh riêng là nhằm tăng cường công cụ quản lý nhà nước để bảo đảm các kỳ thi riêng diễn ra nghiêm túc, minh bạch, đúng quy định, và bảo đảm chất lượng.
Để tổ chức một kỳ thi tuyển sinh, các trường phải chuẩn bị kỹ lưỡng về quy trình, quy chế, đề án tổ chức, về nhân sự (bộ phận chuyên trách khảo thí có trình độ, kinh nghiệm), cơ sở hạ tầng (phòng ốc, máy tính, phần mềm…). Đặc biệt là cần chuẩn bị được ngân hàng đề thi… Đó là những điều kiện căn bản, tối thiểu để tổ chức tuyển sinh thành công, chất lượng. Đây cũng là những quy định cần thiết khi tổ chức một kỳ thi để bảo đảm quyền lợi của các thí sinh, bảo đảm công bằng xã hội, bảo đảm các trường đánh giá được năng lực của người học để chuẩn bị cho bậc học đại học.
- Quy chế tuyển sinh 2020 cho phép thí sinh tiếp tục được đăng ký nguyện vọng tùy thích. Bà có tư vấn gì với thí sinh về vấn đề này?
- Theo số liệu của Vụ Giáo dục đại học, trong thời gian qua, khi cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển không giới hạn nguyện vọng, hầu hết các em trúng tuyển và nhập học với 3 nguyện vọng đầu tiên trong lần xét tuyển đợt 1. Số thí sinh trúng tuyển trong những đợt xét tuyển lần 3, 4, 5 chiếm tỷ lệ rất ít. Vì thế, có những thí sinh đăng ký hàng chục nguyện vọng, nhưng nếu đã trúng tuyển nguyện vọng 1, 2, các em không sử dụng tới nguyện vọng thứ 3, 4 nữa. Theo đó, các em vẫn cần phải xác định được nguyện vọng chính, quan trọng nhất, phù hợp với năng lực và mong muốn của mình.
Nhân câu chuyện này, tôi cũng cho rằng, các em đã có 3 năm THPT để suy nghĩ lựa chọn và tập trung học tập, ôn thi cho ngành nghề phù hợp với khả năng, sở trường, thế mạnh, phù hợp với các điều kiện về kinh tế, sức khỏe, gia đình… của mình. Vì thế, chọn ngành, chọn trường… không nên là câu chuyện của thời gian cuối. Đây là thời điểm các em cần tập trung cao độ cho việc ôn thi thật hiệu quả để đạt mục tiêu trúng tuyển vào trường đại học mơ ước của mình.
Chất lượng đầu vào thấp ảnh hưởng đến thương hiệu của trường
- Năm nay nhiều trường đại học tiếp tục kết hợp nhiều hình thức xét tuyển, trong đó có dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT với kết quả học bạ. Dư luận lo lắng chất lượng đầu vào, bởi học bạ có thể “rất đẹp” nhưng không thật. Quan điểm của bà thế nào?
- Như chúng ta đã thấy, các trường đại học đều kết hợp nhiều phương thức để tuyển sinh. Không chỉ sử dụng kết quả học tập ở bậc THPT, các trường sẽ kết hợp với những phương thức tuyển sinh khác như kết quả thi tốt nghiệp THPT, sơ tuyển, phỏng vấn, bài thi đánh giá năng lực, chứng chỉ chuẩn hóa quốc tế… Năm nay Bộ GD - ĐT yêu cầu công khai kết quả học tập bậc THPT, điểm thi và phổ điểm của điểm thi tốt nghiệp THPT để đối chiếu, so sánh.
- Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Bộ GD - ĐT chỉ quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên và nhóm ngành về sức khỏe. Vậy Bộ kiểm soát chất lượng đầu vào của các trường khác như thế nào?
- Tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường đại học. Chất lượng đầu vào là để bảo đảm thí sinh có thể theo học ngành nghề đào tạo một cách tốt nhất. Nếu bản thân các trường cố tình tuyển không đúng, hoặc chất lượng quá thấp theo yêu cầu của ngành nghề đào tạo, thì sản phẩm đầu ra sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, hoặc thậm chí các em sinh viên không thể tốt nghiệp. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, thương hiệu, chất lượng đào tạo của các trường, và về lâu về dài thậm chí trường không còn uy tín để tuyển sinh nữa. Xã hội luôn giám sát, đánh giá hệ thống giáo dục đại học, và bản thân thị trường lao động cũng luôn rất minh bạch, công bằng trong việc đánh giá sản phẩm đầu ra của các trường.
Mặt khác về căn cứ pháp lý, Quy chế tuyển sinh 2020 đã bổ sung quy định các trường chịu trách nhiệm giải trình với cơ quan quản lý nhà nước và với xã hội về cơ sở, luận cứ khoa học và quy trình xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào và các tổ hợp tuyển sinh phù hợp với ngành đào tạo hay không.
- Xin cảm ơn bà!