
Đại diện Quỹ Giải thưởng Sử học Đinh Xuân Lâm vừa có buổi làm việc với đại diện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.
Buổi làm việc có sự tham dự Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn PGS.TS Đào Thanh Trường; Chủ tịch Quỹ Giải thưởng Sử học Đinh Xuân Lâm ông Đinh Xuân Thọ; Trưởng ban Điều hành Quỹ, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn GS.TS.NGND Nguyễn Văn Khánh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn PGS.TS Đào Thanh Trường cho biết, nhà trường rất trân trọng những tình cảm quý báu mà cá nhân ông Đinh Xuân Thọ và Quỹ Giải thưởng Sử học Đinh Xuân Lâm đã dành cho các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh ngành Lịch sử.
Với những đóng góp to lớn và quý báu của GS.NGND Đinh Xuân Lâm và Quỹ Giải thưởng Sử học Đinh Xuân Lâm, nhiều thế hệ giảng viên, nhà khoa học, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của nhà trường đã được truyền cảm hứng trong nghiên cứu và đào tạo khoa học Lịch sử. Bởi vậy, việc Quỹ tin tưởng và dành nhiều tình cảm, cơ hội học tập và nghiên cứu cho giảng viên, sinh viên nhà trường đã có ý nghĩa và tầm ảnh hưởng quan trọng.
Theo PGS.TS Đào Thanh Trường quá trình xây dựng và phát triển của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn gắn liền với tên tuổi của những giáo sư sử học nổi tiếng như: Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng,… Các thế hệ thầy và trò Nhà trường đang được tiếp nối những di sản to lớn của các thế hệ cha ông đi trước, góp phần khẳng định vị thế của trường đại học hàng đầu tại Việt Nam về đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Trưởng ban Điều hành Quỹ Giải thưởng Sử học Đinh Xuân Lâm GS.TS.NGND Nguyễn Văn Khánh chia sẻ, Quỹ đã đồng hành với sự phát triển chuyên môn của giảng viên, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh ngành Lịch sử trên cả nước suốt 6 năm qua.
Theo GS.TS.NGND Nguyễn Văn Khánh mỗi năm, Quỹ trao 15 suất thưởng, mỗi suất trị giá 5.000.000 đồng cho các em sinh viên ngành Lịch sử hoặc sinh viên thuộc khoa Lịch sử hệ chính quy của các trường đại học phía Bắc (từ Huế trở ra) có kết quả học tập Xuất sắc/ Giỏi và có thành tích nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó Quỹ cũng trao 3 suất thưởng, mỗi suất trị giá 10.000.000 đồng cho 3 học viên cao học ngành Lịch sử có kết quả bảo vệ luận văn đạt loại xuất sắc và có nhiều công trình nghiên cứu đã được công bố; trao 3 suất thưởng, mỗi suất trị giá 20.000.000 đồng cho 3 nghiên cứu sinh thuộc chuyên ngành Lịch sử có kết quả bảo vệ luận án đạt loại xuất sắc và có nhiều công trình nghiên cứu được công bố.
Trao 1 suất thưởng trị giá 25.000.000 đồng cho 1 công trình chuyên khảo xuất sắc về lịch sử Việt Nam được công bố tại nhà xuất bản uy tín.
GS.TS.NGND Nguyễn Văn Khánh cho biết, từ năm 2017 - 2022, Quỹ đã trao tặng giải thưởng cho 71 sinh viên, 18 thạc sĩ và nghiên cứu sinh, 02 công trình nghiên cứu đến từ các trường đại học, Trong đó, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN có nhiều cá nhân được nhận giải thưởng nhất với 34 giải.

Chủ tịch Quỹ Đinh Xuân Thọ chia sẻ về việc phát triển, mở rộng quy mô, ảnh hưởng của Quỹ trong thời gian tới. Theo đó, từ năm 2023, giá trị của giải thưởng sẽ tăng lên nhằm khuyến khích các giảng viên, nhà khoa học, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên có niềm đam mê, tâm huyết và yêu thích khoa học Lịch sử có thêm nhiều thành tựu giá trị trong nghiên cứu và học tập.
Ngoài ra, quy mô giải thưởng sẽ xem xét mở rộng đối với nhiều trường đại học tại các tỉnh thành phía Nam. Quỹ cũng sẽ dành nguồn ngân sách để tài trợ cho các cuộc thi tìm hiểu về Lịch sử Việt Nam tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN và một số cơ sở đào tạo khác.
Kết luận buổi làm việc, đại diện Quỹ Giải thưởng Sử học Đinh Xuân Lâm cũng thống nhất với đề xuất của lãnh đạo Khoa Lịch sử về việc mở rộng đối tượng trao giải thưởng là các sinh viên ngành Văn hóa học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN để gia tăng thêm cơ hội học tập và nghiên cứu của các em.

GS.NGND Đinh Xuân Lâm (1925-2017) sinh tại xã Sơn Tân (nay là xã Tân Mỹ Hà), huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình quan lại triều Nguyễn.
Ông bắt đầu làm nghề dạy học (bậc Trung học) từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Văn khoa, năm 1956, GS. Đinh Xuân Lâm được giữ lại trường làm công tác giảng dạy tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Ông được coi là một trong những nhà sử học khai khoa, góp phần xây nền đắp móng và phát triển nền Sử học cách mạng Việt Nam từ sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc năm 1954. Trong quá trình nghiên cứu kéo dài gần 6 thập kỷ từ cuối những năm 1950 cho đến trước khi mất, ông đã để lại di sản gồm hàng trăm công trình nghiên cứu thuộc nhiều thể loại khác nhau.
GS. Đinh Xuân Lâm có nhiều đóng góp cho việc xây dựng Bộ môn Lịch sử cận - hiện đại Việt Nam của Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) trên cương vị Chủ nhiệm Bộ môn trong suốt 30 năm; là Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khóa IV, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Trong 45 năm đứng trên bục giảng, ông đã trực tiếp truyền dạy, hướng dẫn và góp phần đào tạo hàng ngàn sinh viên, hàng trăm học viên thạc sĩ và nghiên cứu sinh tiến sĩ của cả Việt Nam và nước ngoài, trong đó có nhiều người đã trở thành những nhà khoa học uy tín, nhà lãnh đạo quản lý đứng đầu nhiều bộ, ngành, địa phương; một số lưu học sinh ngoại quốc đã trở thành các nhà ngoại giao, nhà Việt Nam học nổi tiếng thế giới.
Không chỉ là một nhà giáo tâm huyết, tài ba, GS. Đinh Xuân Lâm còn là một nhà khoa học xuất sắc với sự say mê khoa học hiếm thấy. Chỉ sau một năm ra trường, đến năm 1957, dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của nhà sử học Trần Văn Giàu, ông đã hoàn thành công trình đầu tay Lịch sử Việt Nam thời kỳ 1897-1914 (Nxb. Xây dựng, Hà Nội).
Kể từ đó đến năm 2015, nhà nghiên cứu Đinh Xuân Lâm vẫn miệt mài nghiên cứu và công bố trên 570 công trình khác nhau dưới dạng sách chuyên khảo, tham khảo, chuyên luận, bài báo khoa học, giới thiệu tư liệu và phê bình sách…
Các công trình nghiên cứu của GS. Đinh Xuân Lâm chủ yếu tập trung vào các vấn đề của Lịch sử Việt Nam cận-hiện đại như: phong trào vũ trang chống Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, về Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam, về xu hướng cải cách trong lịch sử Việt Nam...
Quỹ Sử học mang tên Nhà sử học, Nhà sư phạm tài năng GS. NGND Đinh Xuân Lâm (1925-2017) được thành lập năm 2017. Trụ sở của Quỹ đặt tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Để phát huy những thành tựu trong đào tạo và nghiên cứu sử học của Giáo sư, đồng thời góp phần khuyến khích, bồi dưỡng các tài năng sử học cho đất nước, định kỳ 01 năm 01 lần Quỹ tổ chức trao giải thưởng cho các sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu và cán bộ trẻ có công trình nghiên cứu (chuyên khảo) xuất sắc công bố tại các nhà xuất bản uy tín trong và ngoài nước.