Tín chỉ carbon có thể bán, thu về hàng trăm triệu USD
Hiện có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá carbon, với tổng lượng khí nhà kính được kiểm soát 12 tỷ tấn CO2 tương đương, chiếm 22,3% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Đây là hướng đi tiềm năng bởi chỉ tính riêng năm 2019, nguồn thu từ định giá carbon toàn cầu lên đến 45 tỷ USD.
Tại Việt Nam, ước tính có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, mỗi năm, có thể thu về hàng trăm triệu USD. Đó là những con số rất ấn tượng hứa hẹn là nguồn tài nguyên mới.
Đại diện Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, thị trường carbon trong nước bao gồm: Các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế.
Theo lộ trình phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, từ nay đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, các hoạt động trao đổi hạn ngạch và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon… Từ năm 2028 trở đi sẽ tổ chức vận hành giao dịch tín chỉ carbon chính thức.
Thực tế, lâm nghiệp là ngành không những có vai trò đặc biệt quan trọng đóng góp để thực hiện các cam kết mà còn là nguồn tài chính rất có tiềm năng thông qua thương mại carbon rừng.
Là một quốc gia có tỉ lệ che phủ rừng lớn trên thế giới, ngành lâm nghiệp Việt Nam không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp thích ứng và giảm thiểu với biến đổi khí hậu mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, đặc biệt là khi hơn 25 triệu dân Việt Nam đang sống phụ thuộc vào rừng. Thực tế, có rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài tìm đến Việt Nam với mong muốn đầu tư vào thị trường carbon.
Theo các chuyên gia dự báo trong thời gian tới, "nhu cầu mua tín chỉ carbon" sẽ lớn hơn "khả năng cung cấp", làm cho thị trường carbon trở nên sôi động, cả ở thị trường trong nước lẫn quốc tế. Người sản xuất "tín chỉ carbon" sẽ có động lực quản lý tốt hơn các khu rừng của mình, trong khi các nhà sản xuất có phát thải sẽ có động lực vào việc thay đổi công nghệ, đầu tư vào năng lượng tái tạo, sử dụng nhiên liệu sạch, phát triển carbon thấp, nhằm giảm thiểu độ vượt về hạn ngạch.
Cơ hội tiềm năng cho Gia Lai
Các chuyên gia cho rằng,Gia Lai có diện tích rừng trồng lớn, trong đó, nhiều khu rừng đã được Hội đồng Quản lý rừng thế giới cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC), do vậy có cơ hộirộng mở về nguồn tài nguyên rừng có thể đáp ứng cho thị trường carbon trong tương lai. Hiện nay, với 723 nghìn hécta rừng, trữ lượng carbon rừng của Gia Lai rất cao, đạt trên 150 tấn/ha, ước tổng cộng đạt đến 50 triệu tấn. Nếu thỏa thuận tốt với giá tương đương khoảng 5 - 10 USD/tấn thì sẽ có được nguồn thu 25 - 50 triệu USD hoặc cao hơn.Nguồn tài chính này sẽ góp phần trực tiếp cho bảo vệ và phát triển rừng bền vững, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng, tháo gỡ khó khăn cho các ban quản lý rừng, giảm đầu tư từ ngân sách nhà nước cho lâm nghiệp.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hiện nay là cơ chế thực hiện như thế nào và bắt đầu từ đâu; khung pháp lý cụ thể ra sao? Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần B.A.T SMARTFOREST, TS. Đỗ Hữu Lương cho hay, tỉnh Gia Lai cần xây dựng chương trình hành động cụ thể, trong đó, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm đầu mối phối hợp với các sở, ngành liên quan thành lập tổ công tác xây dựng báo cáo tín chỉ carbon. Sớm đưa tín chỉ carbon trở thành hàng hóa thật sự được công nhận về mặt tiêu chuẩn quốc tế thì mới tiến hành xúc tiến giao dịch, khi đó sẽ mang lại nguồn thu lớn.Còn theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh PGS.TS. Nguyễn Danh thì Gia Lai nên làm thí điểm, bởi khi Chính phủ ban hành chính sách thì trên cơ sở này có thể đẩy nhanh hơn trên phạm vi cấp tỉnh.
Xác định tiềm năng sẵn có, tỉnh Gia Lai sẽ sớm thiết lập “Đề án kinh doanh tín chỉ carbon rừng” để qua đó thu hút các nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống, sinh kế người dân sống phụ thuộc vào rừng và giữ rừng ngày một tốt hơn.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng tỉnh Gia Lai sẽ xây dựng các tiêu chí như: các nhiệm vụ bảo tồn, phục hồi những diện tích rừng đã mất nhằm tăng trữ lượng carbon rừng trên địa bàn tỉnh; thu hút mối quan tâm của các doanh nghiệp đến việc phục hồi rừng và kinh doanh tín chỉ carbon rừng; đề xuất thí điểm mô hình kinh doanh tín chỉ carbon rừng với sự tham gia của doanh nghiệp.