Những kết quả ấn tượng
Với nhiều lợi thế để phát triển kinh tế với các ngành công nghiệp chủ lực như lọc hóa dầu, thủy điện, điện gió, điện mặt trời; công nghiệp cơ khí, sản xuất thiết bị điện, điện tử; chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản…, Sở Công thương các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển công nghiệp và thương mại, trong đó phải kể đến công tác khuyến công.
Theo Cục Công thương địa phương, tổng kinh phí khuyến công thực hiện năm 2022 của 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên là 69,3 tỷ đồng; đạt 95,6% so với kế hoạch năm (72,5 tỷ đồng).
Trong đó, nhiều nội dung đạt tỷ lệ hoàn thành cao, như hỗ trợ trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc tiên tiến với kinh phí thực hiện là 47,3 tỷ đồng, đạt 96,9% kế hoạch; chiếm 68,3% kinh phí khuyến công toàn vùng. Hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn với kinh phí 7,1 tỷ đồng, đạt 83,5% kế hoạch, chiếm 10,2% kinh phí khuyến công toàn vùng. Cụ thể, đãhỗ trợ 538 gian hàng tiêu chuẩn cho 368 lượt cơ sở tham gia các hội chợ triển lãm trong nước; hỗ trợ bình chọn 143 sản phẩm tiêu biểu các cấp cho 297 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn; đăng ký thương hiệu cho 32 cơ sở. Về phát triển nguồn nhân lực, năm 2022 đã tổ chức đào tạo nghề cho 75 lao động, 100% lao động có việc làm sau đào tạo; đào tạo cho 340 đối tượng là cán bộ quản lý điều hành của các cơ sở khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn. Tổ chức 7 hội thảo, tập huấn chuyên đề cho 320 đại biểu tham dự...
Bước sang năm 2023, tổng kinh phí khuyến công được duyệt của khu vực là 78,7 tỷ đồng, cao hơn 8,5% so với kế hoạch năm 2022 (72,5 tỷ đồng). 9 tháng năm 2023, kinh phí toàn vùng đã thực hiện đạt 45,9 tỷ đồng, đạt 58,3% kế hoạch năm, cao hơn 85,8% so với cùng kỳ. Kinh phí khuyến công quốc gia thực hiện 18,3 tỷ đồng đạt 64,4% kế hoạch năm; khuyến công địa phương thực hiện 27,6 tỷ đồng đạt 54,9% kế hoạch năm.
Trong 9 tháng năm 2023, khuyến công đã hỗ trợ được 2 mô hình thí điểm áp dụng sản xuất sạch hơn; 129 cơ sở ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và 3 cơ sở được hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn. Kinh phí thực hiện 22,9 tỷ đồng, đạt 51,1% kế hoạch năm.
Đã hỗ trợ 312 lượt cơ sở tham gia hội chợ triển lãm; tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cho 151 lượt cơ sở. Đăng ký xây dựng thương hiệu cho 9 cơ sở, 3 cơ sở được hỗ trợ phòng trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm... Kinh phí thực hiện trên 10,7 tỷ đồng, đạt 72,3% kế hoạch năm. Về hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp, 9 tháng năm 2023 đã tư vấn cho 80 dự án, với doanh thu đạt trên 8 tỷ đồng, đạt 97,6% kế hoạch năm, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022...
Nhìn chung, khu vực sản xuất trong nước đã dần lấy lại đà tăng trưởng, trong đó các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn cũng không nằm ngoài dòng chảy chung. Cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của chính sách khuyến công, nhiều doanh nghiệp, cơ sở đã đẩy mạnh tái cơ cấu, thay đổi mô hình kinh doanh, phát triển sản xuất, kinh doanh để thích nghi với tình hình mới.
Tăng cường liên kết với các tỉnh, thành trong khu vực
Tuy vậy, Cục Công thương địa phương cũng nêu những mặt hạn chế mà khu vực cần nhanh chóng tháo gỡ. Hiện, công tác khảo sát xây dựng kế hoạch, thẩm định cấp cơ sở và chất lượng đề án của một số địa phương còn hạn chế, có nơi còn mang tính thủ tục. Các địa phương nhìn chung còn chưa mạnh dạn xây dựng đề án điểm. Do tác động kéo dài của dịch Covid-19 và bối cảnh kinh tế khó khăn chung đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực tài chính và khả năng triển khai đề án của các đối tượng thụ hưởng. Tiến độ phân bổ ngân sách còn chậm. Một số địa phương vẫn chưa bố trí phương tiện làm việc cho đơn vị gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là ở các địa bàn rộng lớn. Hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp tuy tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh xong hiệu quả chưa cao.
3 tháng cuối năm sẽ còn nhiều thách thức, do đó tổ chức hệ thống khuyến công khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần bám sát định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương, UBND cấp tỉnh, quyết tâm phấn đấu hoàn thành 100% các đề án khuyến công đã được giao năm 2023; bảo đảm xây dựng, đăng ký các đề án, nhiệm vụ khuyến công quốc gia năm 2024 đúng thời hạn, có chất lượng.
Các, tỉnh thành trong khu vực cần tập trung triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách về khuyến công, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về khuyến công. Kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công thương thực hiện nhiệm vụ về khuyến công. Xây dựng, phát triển hệ thống cộng tác viên khuyến công nhằm giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn thuận lợi hơn trong tiếp cận chính sách.
Bên cạnh đó, thực hiện các đề án khuyến công đúng tiến độ; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các đề án khuyến công quốc gia trên địa bàn.
Sở Công thương tham mưu UBND cấp tỉnh tăng cường bố trí ngân sách địa phương cho các hoạt động khuyến công, có sự hài hòa giữa ngân sách địa phương và trung ương. Chú trọng lồng ghép với các dự án, chương trình mục tiêu khác để khuyến khích, thu hút nguồn vốn của cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn. Đặc biệt, đẩy mạnh tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và liên kết giữa các vùng để trao đổi kinh nghiệm phát triển ngành và hoạt động khuyến công...