Cần những giải pháp mang tính đột phát
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Nhiệm vụ từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là nhiệm vụ phù hợp với xu hướng học tập và làm việc trong thời đại mới.
“Ban soạn thảo đã xây dựng dự thảo Đề án, tổ chức một số hội thảo lấy ý kiến với tinh thần hết sức khẩn trương, nước rút, mang tính đột phá nhưng bài bản, đảm bảo tính khả thi”, Thứ trưởng Thưởng nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo, bằng kinh nghiệm bản thân, kinh nghiệm cơ sở, đưa ra các giải pháp mang tính đột phá, khả thi, góp ý với tinh thần khoa học, đáp ứng mục tiêu, lộ trình ban hành.
Đội ngũ giáo viên là điều kiện tiên quyết
Nhận định Đề án là cơ hội nhưng cũng là thách thức, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Đức Sơn nhấn mạnh: “Bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên là điều kiện tiên quyết để thực hiện Đề án”.

Những năm gần đây, nhà trường đã tổ chức cho sinh viên thực tập sư phạm tại các trường quốc tế hoặc song ngữ, tổ chức các câu lạc bộ tiếng Anh chuyên ngành, các hội thảo, toạ đàm chuyên đề với sự tham gia của giảng viên quốc tế.
Đồng thời, thực hiện thí điểm đưa học sinh đi học một số học phần tương đương tại nước ngoài theo hình thức trao đổi. Tuyển sinh từng năm được nâng cao đầu vào và thắt chặt đầu ra.

Chia sẻ tại hội thảo, TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, cho rằng một số điểm mấu chốt cần tập trung thực hiện gồm rà soát tổ chức bồi dưỡng năng lực đội ngũ; bồi dưỡng năng lực dạy tích hợp nội dung và ngôn ngữ cho giáo viên các cấp, bao gồm cả giáo viên tiếng Anh; đối với giáo viên các môn học khác, cần được bồi dưỡng tiếng Anh chuyên ngành phù hợp với nội dung giảng dạy.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, đề xuất: Ban soạn thảo cần bổ sung thêm danh mục học liệu để các cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non được cấp thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng triển khai theo đúng yêu cầu đề án.

Phân tích về các vấn đề liên quan đến nội dung, nội hàm, mục tiêu của dự thảo Đề án, GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Thư ký Hội đồng Giáo sư Nhà nước ngành Toán học, nêu một số lưu ý về nâng cao năng lực giáo viên dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh, chi phí thực hiện, công tác truyền thông.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học thực hành Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Ngô Vũ Thu Hằng cho rằng, giáo viên cần được bồi dưỡng về các lớp học ngắn hạn, xây dựng tài liệu tham khảo và các tiếp cận, sử dụng công nghệ trong giảng dạy.
Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong các nhà trường không phải danh hiệu
Nhấn mạnh quan điểm đó trong kết luận hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định “tiếng Anh là để nâng cao năng lực ngôn ngữ của học sinh, sinh viên, đội ngũ giáo viên, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi cao của thị trường lao động giai đoạn mới”.
Ghi nhận các ý kiến tại hội thảo, Thứ trưởng lưu ý với Ban soạn thảo về các nội dung của đề án như nhiệm vụ chung, đội ngũ giáo viên, tiêu chí, đầu tư, chương trình, cơ sở vật chất, kinh phí thực hiện, công tác truyền thông…

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng đề nghị các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo giáo viên chủ động xây dựng đội ngũ, cơ sở vật chất, xây dựng chương trình thực hiện Đề án.
Cùng với đó, chủ động phối hợp với các Sở GDĐT để đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Từ những kinh nghiệm lý luận, thực tiễn, các cơ sở giáo dục đại học có thể tham mưu cho Bộ GDĐT ban hành các chính sách hiệu quả trong thời gian tới.