Sáng 25.11, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội và Nhà hát Tuồng Việt Nam tổ chức tọa đàm "Ứng dụng chất liệu tuồng trong đời sống đương đại".
Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Trưởng ban Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cho biết: Chào mừng kỷ niệm 18 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với Nhà hát Tuồng Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động. Trong đó, tọa đàm "Ứng dụng chất liệu tuồng trong đời sống đương đại" mong muốn để các bạn trẻ, những người yêu nghệ thuật hiểu hơn về tuồng truyền thống, cũng như ứng dụng nghệ thuật này trong đời sống hiện nay. Từ đó, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản vật thể và phi vật thể của dân tộc.
Tuồng (còn gọi là hát bộ, hát bội) là một loại hình nghệ thuật sân khấu cân đối có tính cổ điển, bác học bậc nhất của Việt Nam. Với ngôn ngữ văn chương bác học kết hợp nhuần nhuyễn văn chữ Hán với văn Nôm, tuồng là nghệ thuật tổng hợp có cả văn học, hội họa, âm nhạc, trò diễn… thể hiện giá trị và bản sắc truyền thống của dân tộc.
Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ... đã chia sẻ tổng quan về nghệ thuật tuồng, tính bác học cũng như sự khác biệt của tuồng so với các loại hình nghệ thuật như Kinh kịch (Trung Quốc), kịch Noh (Nhật Bản); ứng dụng chất liệu Tuồng trong các loại hình nghệ thuật biểu diễn, sân khấu thể nghiệm, trong giao thoa ngôn ngữ đa phương tiện, cũng như thiết kế mỹ thuật; gìn giữ Tuồng trong đời sống cộng đồng hiện nay...
Nhiều ý kiến cũng đề xuất có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế và có những nghiên cứu để đưa tuồng vào trong chuỗi hoạt động, gói dịch vụ của ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo, quảng bá nét đẹp của loại hình nghệ thuật này tới công chúng trong nước và quốc tế. Từ đó loại hình nghệ thuật bác học này có thể phát huy giá trị trong đời sống đương đại.