Đưa khuyến đọc đi vào chiều sâu

Các hoạt động thúc đẩy phong trào đọc sách đã được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm thời gian qua. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, chúng ta mới đang làm phần ngọn.

Mới là hoạt động bề nổi

Khuyến đọc là một trong những hoạt động quan trọng nhằm góp phần nâng cao trình độ dân trí, tạo nền tảng cơ bản cho sự phát triển của quốc gia; đồng thời là giải pháp then chốt cho sự phát triển của ngành xuất bản. Bởi vậy, từ lâu, công tác khuyến đọc đã được những người trong ngành quan tâm.

Tại giao lưu “Khuyến đọc - Hành trình lan tỏa văn hóa đọc”, ông Lê Hoàng - Ủy viên Thường vụ Hội xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH Đường Sách TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Vấn đề quan trọng tác động tới sự phát triển của ngành sách chính là việc đọc, là bạn đọc - người quyết định việc tiêu thụ sách, nuôi ngành xuất bản. Do đó tôi bắt đầu quan tâm tới việc đọc từ khi làm Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, nhưng tập trung vào việc mang sách đến nhiều thị trường hơn. Còn khuyến đọc, lan tỏa văn hóa đọc, thói quen đọc… xuất hiện với các hoạt động sau này”.

Là người làm sách từ năm 2007, và năm 2008 tổ chức Tết sách, có nhiều hoạt động tôn vinh sách trong 16 năm qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sách Thái Hà cho biết: “Tôi cứ làm những việc đơn giản, nảy sinh những ý tưởng từ Tết sách, ATM sách - máy phát sách tự động, rồi tặng tủ sách, tổ chức chương trình Reading together để mọi người đọc sách cùng nhau… Sau đó tôi mới thấy cần quan tâm hơn tới khuyến đọc. Dự án Khuyến đọc Việt Nam được Thái Hà Books phát động ngày 22.2.2022”.

Cần giải pháp có chiều sâu để xây dựng văn hóa đọc . Ảnh: VGP
Cần giải pháp có chiều sâu để xây dựng văn hóa đọc. Ảnh: VGP

Không chỉ với những người làm sách, việc phát động phong trào khuyến đọc đã được nhiều cá nhân, tổ chức trong xã hội thực hiện như chương trình Sách hóa nông thôn, Tủ sách Nhân ái và Ngôi nhà Trí tuệ, cho đến các hoạt động xây dựng thư viện, phòng đọc cộng đồng, tặng sách, giới thiệu sách, diễn thuyết về sách và văn hóa đọc… diễn ra rầm rộ ở nhiều nơi, phần nào góp phần nâng cao nhận thức về sách và vai trò của đọc sách.

Nhận định các phong trào khuyến đọc thời gian qua dù vô cùng tận tụy, nhưng mới là hoạt động bề nổi, ông Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng phong trào Sách hóa nông thôn, kể: “Hiện tại, hàng chục nghìn tủ sách đã được đưa đến lớp học từ các chương trình Sách hóa nông thôn, Tủ sách nhân ái… Dù đưa tủ sách đến lớp học từ năm 2010, nhưng đến nay tôi gọi điện, phỏng vấn, nhiều tủ sách đã thất bại. Đưa sách tới lớp học là gần học trò nhất, nhưng thực tế học sinh nhiều nơi không chịu mượn sách, vì cấu trúc giáo dục của ta khác với nhiều quốc gia. Qua tìm hiểu cho thấy, học sinh bên Mỹ mỗi tháng phải đọc tối thiểu 1 cuốn sách để viết luận; còn bài tập lớn phải đọc 5 - 10 cuốn sách để thảo luận, bởi vậy việc đọc của họ thường xuyên, trở thành nền tảng”.

Hình thành thói quen đọc từ trẻ thơ

“Trên bình diện quốc gia, văn hóa đọc có 3 điểm. Thứ nhất là thể chế chính trị đặt ra những vấn đề để xúc tiến văn hóa đọc, như luật, quyết định. Thứ hai là các tổ chức như Cục Xuất bản, In và Phát hành, Vụ Thư viện, nhà xuất bản, công ty phát hành… xúc tiến xuất bản và đọc sách. Thứ ba là từng cá nhân đọc, điều này quyết định văn hóa đọc” - ông Lê Hoàng nhận định. Vừa qua có tiến bộ lớn trong vấn đề luật hóa khi Luật Thư viện 2019 có Điều 30 về phát triển văn hóa đọc, Mục 1 quy định ngày 21.4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. "Việc luật hóa rất quan trọng và cần tiếp tục thúc đẩy để luật đi vào thực tiễn. Khi sửa đổi Luật Xuất bản sắp tới nên đưa điều khoản về phát triển văn hóa đọc" - ông Lê Hoàng khuyến nghị…

Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng, “giải pháp căn cơ, mấu chốt của hình thành thói quen đọc phải là từ trẻ thơ, không đâu xa là môi trường trường học và gia đình. Bởi vậy, cần hình thành thói quen đọc sách cho con trẻ từ môi trường gia đình; đồng thời thúc đẩy đổi mới việc dạy và học, từ đó phát triển văn hóa đọc trong nhà trường”.

“Dù chưa biết làm thế nào để có văn hóa đọc phát triển, nhưng tôi cứ cố gắng, bởi mình không làm thì ai làm? Và không bây giờ thì bao giờ làm?”. Chia sẻ như vậy, ông Nguyễn Mạnh Hùng dự kiến tăng cường các hoạt động trao tặng tủ sách, giới thiệu sách, triển khai quỹ "Khuyến đọc Việt Nam" và giải thưởng "Khuyến đọc Việt Nam", xuất bản sách của tác giả Việt Nam... Hướng tới khuyến đọc từ trẻ em, Thái Hà Books cũng triển khai ngay chương trình Tặng sách cho các bà mẹ nông thôn có con dưới 6 tuổi…

Trong khi đó, tham gia nhiều chương trình trò chuyện về sách, gặp trực tiếp giáo viên, học sinh, dịch giả, tác giả Nguyễn Quốc Vương nhận thấy có nhiều vấn đề và một số thứ cần giải quyết ở góc độ vi mô. Ví dụ, chúng ta đang nhiều sách dịch mà thiếu những đầu sách người Việt viết cho người Việt. Bởi vậy, các đơn vị xuất bản cần nuôi dưỡng đội ngũ tác giả Việt Nam có thể viết chuyên nghiệp, được độc giả đón nhận. "Là tác giả tôi cố gắng viết, đáp ứng nhu cầu độc giả, truyền tải tư tưởng, thông điệp của tôi. Là dịch giả, tôi cố gắng tìm đầu sách phù hợp với Việt Nam, tập trung vào mảng lịch sử, văn hóa, giáo dục, khuyến đọc. Là diễn giả trực tiếp về văn hóa đọc, tôi cố gắng đến nhiều trường nói chuyện với học sinh - câu chuyện mà có lẽ tôi phải làm sớm hơn nữa, giới thiệu các sách hay tới thư viện trường…”.

Dịch giả, tác giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng, việc khuyến đọc có ý nghĩa lâu dài với đất nước. Trong 10 - 15 năm qua, hoạt động khuyến đọc đã tạo ra nền tảng rộng, nhưng chưa có hệ thống. Hy vọng mỗi người với vai trò của mình có thể đưa khuyến đọc có chiều sâu hơn để tạo ra kết quả cao hơn.

Giáo dục

Hà Nội xây mới và đưa vào sử dụng nhiều trường học
Giáo dục

Hà Nội xây mới và đưa vào sử dụng nhiều trường học

Năm học 2024 - 2025, quy mô giáo dục của thành phố Hà Nội tiếp tục phát triển, dẫn đầu cả nước, để giải quyết vấn đề thiếu trường lớp trong bối cảnh tốc độ tăng dân số cơ học nhanh. Năm học này, Hà Nội đưa vào sử dụng nhiều trường học mới ở tất cả cấp học.

Tọa đàm: Làm thế nào đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học?
Giáo dục

Tọa đàm: Làm thế nào đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học?

Chiều 26.9, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm 'Làm thế nào đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học?' nhằm ghi nhận ý kiến, đề xuất của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý về giải pháp để từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học theo Kết luận 91 của Bộ Chính trị.

Tăng cường hợp tác, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học
Giáo dục

Tăng cường hợp tác, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học

Ngày 24.9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã làm việc với ông Amit Sevak, Chủ tịch Viện Khảo thí Hoa Kỳ. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đã thông tin về một chủ trương mới của Việt Nam là tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Chính sách tiếng Anh của Singapore: Thay đổi vận mệnh một dân tộc
Giáo dục

Chính sách tiếng Anh của Singapore: Thay đổi vận mệnh một dân tộc

Có một người nữ nhà báo Singapore đã viết trên tạp chí Forbes để bày tỏ lòng biết ơn đối với cố Thủ tướng Lý Quang Diệu: “Gia tài mà Lý Quang Diệu để lại cho Singapore chính là tiếng Anh”. Đất nước này có thể vươn mình từ một làng chài nhỏ bé thành cường quốc thế giới chính nhờ vào chính sách dạy học, làm việc song ngữ mà cố Thủ tướng đã lựa chọn.

Malaysia đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học như thế nào?
Giáo dục

Malaysia đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học như thế nào?

Khi Malaysia tiến tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao, việc nâng cao khả năng tiếng Anh là trọng tâm quan trọng trong hệ thống giáo dục của đất nước. Quốc gia Đông Nam Á này đã triển khai một loạt chính sách cụ thể nhằm cải thiện chất lượng giảng dạy tiếng Anh trong các trường học, không chỉ nhằm nâng cao kỹ năng ngôn ngữ, mà còn giúp học sinh giành ưu thế trong môi trường quốc tế.

GS.TS Trần Văn Nhung: "Để đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và xã hội"
Giáo dục

GS.TS Trần Văn Nhung: "Để đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và xã hội"

GS.TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là vấn đề lớn và khó khăn, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện sống, học tập và làm việc còn thiếu thốn. Tuy nhiên, khi đã có chỉ thị của Bộ Chính trị, cả hệ thống chính trị sẽ cùng vào cuộc. Chính phủ, Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành liên quan cũng sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện.