Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, trao Quyết định đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN) |
Tỉnh Đồng Tháp hiện có 191 trường mầm non, mẫu giáo với 2.361 nhóm, lớp; trong đó có chín trường mầm non, mẫu giáo ngoài công lập và 115 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp - cho biết trong 5 năm thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, ngành giáo dục đã được đầu tư kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng để xây dựng các công trình, thiết bị đồ dùng cho lớp 5 tuổi, thực hiện các chính sách cho trẻ tại trường.
Thực hiện Đề án phổ cập giáo dục, Đồng Tháp đã huy động hơn 29.000 trẻ 5 tuổi đến trường, đạt tỷ lệ 100%; 1.013 phòng, lớp mẫu giáo trên địa bàn tỉnh được đầu tư theo hướng kiên cố và bán kiên cố; 100% trường được trang bị bộ thiết bị dụng cụ tối thiểu để thực hiện chương trình giáo dục mầm non và ứng dụng công nghệ thông tin. Các giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi của 144/144 xã đều đạt chuẩn về trình độ đào tạo.
Thành phố Sa Đéc là một trong 12 huyện, thị, thành tại Đồng Tháp đi đầu trong công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sa Đéc cho biết để đạt được kết quả cao trong việc vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường, các trường mầm non trên địa bàn thành phố đã đưa nội dung tuyên truyền về công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào các giờ phát thanh của trường, các buổi họp phụ huynh; phối hợp với các đoàn thể đi đến từng gia đình vận động, tuyên truyền...
Mặt khác, ngành giáo dục thành phố chú trọng phát triển cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới trường lớp. Từ năm 2013 đến nay, thành phố có thêm năm trường mầm non được xây mới, đáp ứng nhu cầu phòng học cho trẻ.
Tại buổi lễ, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - đề nghị ngành giáo dục cần tiếp tục duy trì kết quả chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi; tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về công tác phổ cập giáo dục-xóa mù chữ với nhiều hình thức để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng... Qua đó, tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương đổi mới căn bản toàn diện, giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020.
Dịp này, UBND tỉnh tặng bằng khen cho bảy tập thể và 16 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác xoá mù chữ và phổ cập giáo dục giai đoạn 2011-2015.