46 tỉnh, thành phố được công nhận loại trừ sốt rét
Theo TS. Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét, Ký sinh trùng, Côn trùng Trung ương, 3 năm gần đây, số ca sốt rét ở nước ta đạt trên dưới 450 ca/năm. Năm 2023, số bệnh nhân sốt rét còn 448 ca, giảm 97,3%; số ca sốt rét ác tính giảm 89,19%; số trường hợp tử vong do sốt rét giảm 85,71% so với năm 2011. Tính đến hết năm 2023, có 46 tỉnh được công nhận loại trừ sốt rét.
Tuy nhiên, tại 46 tỉnh này, số ca sốt rét ngoại lai xuất hiện khá đông. Năm 2023, trong số 448 trường hợp sốt rét được phát hiện, một nửa ca mắc là ngoại lai từ nước ngoài về, đặc biệt là những người từ châu Phi và trong khu vực. Điểm nóng nhất là huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa), chiếm 1/3 ca mắc so với toàn quốc.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, cả nước phát hiện trên 130 bệnh nhân sốt rét, tăng 128% so với cùng kỳ. Trong đó, tập trung tại tỉnh Khánh Hòa là 86 bệnh nhân sốt rét, chiếm 66% số ca nhiễm của cả nước. Điểm sốt rét ở Mường Tè, Lai Châu cũng là 1 trong những điểm vẫn chưa dập được dịch, với trên dưới 100 ca/năm.
Theo TS. Hoàng Đình Cảnh, việc điều trị bệnh sốt rét đang được phân cấp đến tận tuyến xã. Đối với các khu vực ở thành phố, các trường hợp bị sốt rét thường sẽ đến bệnh viện tuyến Trung ương; trong đó có Bệnh viện Đặng Văn Ngữ - Bệnh viện chuyên khoa về sốt rét để điều trị.
Một trong những nguy cơ mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo đó là tình trạng các ca mắc sốt rét kháng thuốc đang diễn ra ở châu Phi có thể lan truyền qua Việt Nam. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho ngành y tế trong quá trình điều trị. Ở Việt Nam cũng đã xuất hiện ổ dịch kháng thuốc, đó là ổ Bù Gia Mập (Bình Phước); do đó, cần có biện pháp dự phòng và tiếp tục theo dõi.
Tăng cường quản lý, củng cố hệ thống giám sát
Nhiều chuyên gia khẳng định, Việt Nam là nước nhiệt đới, nhiều rừng núi nên véc-tơ (vật trung gian truyền bệnh) gây bệnh phát triển, khó kiểm soát, khó tiêu diệt véc-tơ, nhất là trong rừng, rẫy; còn trên 6 triệu dân sống trong vùng sốt rét lưu hành. Ngoài ra, việc quản lý dân di biến động cũng rất phức tạp, đòi hỏi phải sự tham gia của chính quyền địa phương, các ban, ngành đoàn thể.
Khó khăn là vậy, song nhân lực và kinh phí trong phòng, chống sốt rét cũng bị cắt giảm; dẫn đến khoảng trống thiếu hụt nguồn lực tài chính cho công tác giám sát véc-tơ và giám sát ca bệnh. Chưa kể, việc chẩn đoán xét nghiệm ở tuyến cơ sở cũng gặp khó khăn do không có điểm kính hiển vi hoặc có kính nhưng xét nghiệm viên lâu ngày không nhìn thấy ký sinh trùng sốt rét nên kỹ năng phát hiện giảm dần.
Hệ thống cán bộ cơ quan phòng, chống sốt rét còn thiếu về số lượng và yếu, nhất là tuyến huyện, xã. Ngay tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tuyến tỉnh cũng chỉ có 1 khoa phòng, chống các bệnh ký sinh trùng với khoảng 5 - 7 người; tuyến huyện, xã không đủ người để giám sát chủ động véc-tơ, điều tra ca bệnh, ổ bệnh và truyên truyền, vận động người dân. Đội ngũ cán bộ tuyến cơ sở cũng thường xuyên thay đổi, trong khi việc nắm bắt công việc cần có thời gian tiếp cận, cập nhật kiến thức.
Theo các chuyên gia, để loại trừ được bệnh sốt rét, tất cả các ca bệnh, ổ bệnh phải được điều tra, xét nghiệm chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và xử lý muỗi bằng phun tồn lưu, tẩm màn hóa chất và truyền thông cho người dân. Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai cho biết, mặc dù tỉnh đã được công nhận đạt tiêu chí loại trừ sốt rét nhưng ngành y tế tỉnh vẫn luôn chú trọng và không chủ quan trước dịch bệnh. Việc tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh là mục tiêu chính của tỉnh Lào Cai trong giai đoạn tới.
Xác định việc nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống sốt rét là yếu tố quan trọng để hạn chế thấp nhất người mắc sốt rét lâm sàng, không lây lan thành dịch bệnh; ông Đỗ Thanh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cho biết, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch để bảo đảm theo các mục tiêu của Bộ Y tế, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương; phát triển và củng cố hệ thống giám sát, đánh giá từ tỉnh xuống đến cơ sở; xây dựng quy trình và hướng dẫn theo dõi giám sát cho từng tuyến; quản lý chặt chẽ vùng có dân di biến động.
Cùng với việc thực hiện chiến dịch phun tẩm hóa chất cho các hộ dân sống trong vùng sốt rét lưu hành; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cũng đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống bệnh sốt rét; cung cấp tài liệu, hướng dẫn nội dung cho trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền phòng, chống sốt rét tại các trạm y tế địa phương.