Xóa nhà tạm là nhiệm vụ trọng tâm
Với gia đình anh A Bon, cuối năm nay, niềm vui nhân đôi khi vừa có nhà mới, vừa được công nhận thoát nghèo. Mỗi căn nhà được xây dựng, sửa chữa đều đong đầy tình cảm của các nhà hảo tâm và tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương. Đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực bằng ngày công, vật liệu của cộng đồng dân cư.
Trong những năm gần đây, tỉnh Kon Tum đã đặt ra mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát như một nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là các hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 2.480 hộ dân đang sống trong những ngôi nhà tạm bợ, trong đó 2.277 hộ cần xây mới và 203 hộ cần sửa chữa. Với tổng kinh phí dự kiến lên đến 131,68 tỷ đồng, tỉnh quyết tâm hoàn thành mục tiêu trước tháng 6.2025, mang lại cuộc sống an toàn và ổn định hơn cho người dân.
Chương trình không chỉ giải quyết vấn đề nhà ở mà còn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, ông Dương Văn Trang khẳng định, công việc này không chỉ xây dựng những ngôi nhà mà còn tạo dựng một tương lai ổn định và lâu dài cho các hộ dân. Để chương trình đạt hiệu quả cao, tỉnh đã ban hành các mức hỗ trợ cụ thể cho từng nhóm đối tượng. Đối với các hộ thuộc diện chính sách, người có công với cách mạng và hộ nghèo, mức hỗ trợ xây mới là 60 triệu đồng, sửa chữa là 30 triệu đồng. Trong khi đó, các đối tượng khác được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây mới và 25 triệu đồng để sửa chữa. Các mức hỗ trợ này nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu cơ bản, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Huyện Đăk Tô là một minh chứng điển hình cho tính hiệu quả của chương trình; ông A Hơn, Bí thư Huyện ủy Đăk Tô cho biết, "với sự chỉ đạo sát sao của Thường trực và sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, đến nay huyện đã xây dựng được 145 căn nhà mới, trong đó 120 căn dành cho hộ nghèo và 25 căn dành cho các đối tượng chính sách. Các ngôi nhà này không chỉ đạt tiêu chuẩn an toàn, bền vững mà còn góp phần nâng cao chất lượng sống, mang lại sự yên tâm cho người dân trước những điều kiện thời tiết khắc nghiệt".
"Sinh kế" là vấn đề cốt lõi
Đầu năm 2021, Kon Tum có 21.989 hộ nghèo, chiếm 15,32% hộ dân toàn tỉnh (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, với gần 21.000 hộ). Đến cuối năm 2024, Kon Tum chỉ còn 6.557 hộ nghèo.
Anh Thao Si Phôn (sinh năm 1991, trú xã Đăk Long, huyện Đăk Hà) là một ví dụ điển hình về nỗ lực thoát nghèo khi tài sản quý giá nhất chỉ có ngôi nhà tạm, không nghề nghiệp. Vượt qua khó khăn, Thao Si Phôn đã nỗ lực học nghề thợ hồ; đồng thời cùng vợ cải tạo 0,5ha đất của bố mẹ cho để trồng cà phê. Đến năm 2023, UBND huyện Đăk Hà tiếp tục hỗ trợ gia đình anh một con bò sinh sản. Đầu năm 2024, gia đình anh được chính quyền địa phương hỗ trợ 44 triệu đồng theo nội dung thuộc Dự án 1, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, nhờ đó, đến cuối năm 2024, anh Phôn đã viết đơn xin thoát nghèo.
Theo đại diện phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đăk Hà, năm 2024, huyện đã giảm được 463 hộ nghèo. Đến nay, huyện chỉ còn 342 hộ nghèo với gần 1.200 nhân khẩu, chiếm 1,83% dân số. Để có được kết quả này, chính quyền các cấp của huyện đã vận dụng, lồng ghép thực hiện nhiều chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Một tín hiệu tích cực đối với công tác giảm nghèo tại Kon Tum là phong trào viết đơn xin thoát nghèo. Trong đó, Đăk Tô là huyện điển hình khi từ năm 2021 đến cuối năm 2024, đã có hơn 260 hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Năm 2024, toàn huyện có 76 đơn xin thoát nghèo, chủ yếu tại các xã Diên Bình và Đăk Trăm.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Kon Tum Nguyễn Trung Thuận cho biết, những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được xem là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của tỉnh. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp đã được thành lập, kiện toàn kịp thời, thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành, điều phối, bảo đảm Chương trình được triển khai thực hiện có hiệu quả.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Kon Tum, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, thoát nghèo bền vững. Đồng thời, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp, ngành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc quản lý nhà nước trong thực hiện chương trình giảm nghèo. Qua đó, hiện thực hóa mục tiêu giảm tối thiểu 2,5% hộ nghèo mỗi năm.