Thống nhất phương hướng triển khai
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa cho biết, ngày 27.11.2024, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội số 51/2024/QH15 và ngày 1.1.2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19.10.2023 của Chính phủ; Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 01/2025/TT-BYT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội số 51/2024/QH15 với rất nhiều nội dung, chính sách mới.
Theo đó, có nhiều nội dung mới về chính sách BHYT như sửa đổi, bổ sung đối tượng tham gia, trách nhiệm đóng BHYT để đồng bộ với Luật BHXH; sửa đổi quy định về khám, chữa bệnh theo cấp chuyên môn kỹ thuật để đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh; bỏ thủ tục chuyển tuyến với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được lên thẳng cấp cơ bản, chuyên sâu để giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT...
"Hội nghị là dịp quan trọng để các cán bộ, viên chức làm công tác thực hiện chính sách BHYT lắng nghe và thảo luận về các quy định hướng dẫn thực hiện Luật BHYT phục vụ quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHYT bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT, thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 trong toàn ngành" - Phó Tổng giám đốc Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Ban Thực hiện chính sách BHYT, Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ; Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến đã báo cáo, trình bày về những điểm mới về chính sách BHYT theo Nghị định số 02/2025/NĐ-CP, Thông tư số 01/2025/TT-BYT. Trong đó, tập trung vào các nội dung, chính sách mới như sửa đổi, bổ sung đối tượng tham gia, trách nhiệm đóng BHYT để đồng bộ với Luật BHXH; sửa đổi quy định về khám, chữa bệnh theo cấp chuyên môn kỹ thuật để đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh...
Ban Thực hiện chính sách BHYT lưu ý, BHXH các địa phương về một số vấn đề khi tổ chức thực hiện, như các nhóm đối tượng tham gia BHYT và phạm vi áp dụng; hoạt động đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, một số trường hợp được đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại cấp cơ bản; quy định về mức hưởng BHYT; hồ sơ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT trong các trường hợp đặc thù khác nhau; thủ tục chuyển người bệnh từ cấp chuyên sâu, cơ bản về cấp ban đầu để quản lý, theo dõi đối với bệnh mãn tính...
Bảo đảm quỹ, nâng cao hiệu quả giám định
Hội nghị cũng dành thời gian thảo luận, đánh giá về tình hình giám định, thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT năm 2024 của BHXH các tỉnh; thảo luận, trao đổi kinh nghiệm giải quyết các vướng mắc trong thực hiện. Đồng thời đề ra các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thực hiện chính sách BHYT năm 2025.
Kết luận Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của nhiều địa phương trong việc kiểm soát hiệu quả chi phí khám, chữa bệnh BHYT, bảo đảm sử dụng nguồn quỹ hiệu quả, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người bệnh.
Trong thời gian qua, lãnh đạo BHXH Việt Nam đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Đặc biệt, cả hệ thống đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ chung. Trong đó, BHYT có độ bao phủ cao, từng bước khắc phục khó khăn trong công tác giám định. Đến thời điểm hiện nay, tổng chi phí vướng mắc tồn tại từ trước năm 2022 đã được Hội đồng quản lý BHXH thông qua là 10.748,580 tỷ đồng...
Năm 2025, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa đề nghị các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH các địa phương tiếp tục làm tốt nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh; thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (Luật số 25/2008/QH12, Luật số 46/2014/QH13, Luật số 51/2024/QH15) và Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, số 75/2023/NĐ-CP và 02/2024/NĐ-CP của Chính phủ; các thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế; tiếp tục tham gia tích cực trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT.
Bên cạnh đó, đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám định BHYT bảo đảm đúng quy trình giám định, kiểm soát chặt chẽ chi phí khám, chữa bệnh BHYT và kiên quyết từ chối thanh toán các chi phí khám, chữa bệnh BHYT không đúng quy định. Tăng cường giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT và phân tích, dự báo tình hình sử dụng quỹ BHYT, dự toán, dự kiến chi và gia tăng chi phí bình quân của các cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP.
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc phân cấp trong ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng với cán bộ, viên chức, người lao động làm công tác giám định BHYT để nâng cao nghiệp vụ. Tăng cường kiểm tra các cơ sở khám, chữa bệnh có chi phí tăng cao, thường xuyên phân tích, dự báo rủi ro, kịp thời kiểm tra các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT tăng chi phí, chỉ định bất thường, quá mức cần thiết gây lãng phí và có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
Đồng thời, thực hiện nghiêm việc tạm ứng, thanh, quyết toán chi phí hằng quý theo đúng quy định của Luật BHYT; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công tác giám định BHYT, nghiêm cấm các hành vi tiêu cực. Giám đốc BHXH các tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả giám định BHYT, quản lý, sử dụng dự toán, thông báo số dự kiến chi cho cơ sở khám, chữa bệnh BHYT và thanh quyết toán chi phí theo đúng quy định.