Chia sẻ, giải đáp thắc mắc
Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng (BHXH Việt Nam) phối hợp với BHXH tỉnh Bình Định đã tổ chức chương trình đối thoại, tư vấn, hỗ trợ, giải đáp chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn tỉnh.
Liên quan đến trường hợp người lao động khám bệnh, chữa bệnh bằng thẻ BHYT tích hợp tại căn cước công dân có sai sót, bà Nguyễn Thị Thanh Nga, nhân viên phòng nhân sự Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam đặt vấn đề làm sao để hỗ trợ người lao động khám bệnh, chữa bệnh kịp thời.
Trưởng Phòng Giám định BHYT (BHXH tỉnh Bình Định) Nguyễn Đức Anh cho biết, trong trường hợp này, người lao động có thể sử dụng thẻ BHYT giấy, hình ảnh thẻ BHYT trên VssID. Trường hợp người lao động không cầm theo thẻ BHYT giấy, chưa cài ứng dụng VssID thì có thể liên hệ với giám định viên BHXH thường trực tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để họ liên hệ điều chỉnh. Hoặc người lao động có thể tự thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trước, rồi tới Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của BHXH để được thanh toán lại, vì đây không phải là sai sót của người khám chữa bệnh.
"Lao động đã nghỉ hưu là lực lượng giàu kinh nghiệm. Doanh nghiệp muốn ký hợp đồng để họ tiếp tục làm cố vấn cho doanh nghiệp; vậy có đóng BHXH cho đối tượng này không, nếu có thì đóng thế nào?" - Đại diện Công ty CP Cấp thoát nước Bình Định thắc mắc.
Giải đáp cho câu hỏi, Trưởng Phòng Quản lý Thu - Sổ, Thẻ (BHXH tỉnh) Huỳnh Đức Hùng cho rằng, người nghỉ hưu nếu được ký hợp đồng đi làm thì không phải đóng BHXH. Bởi người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Tăng cường vai trò "3 bên" trong thực thi chính sách
Chương trình đối thoại cũng ghi nhận trường hợp người lao động đã tham gia BHXH trong 3 tháng làm việc tại một doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, sau đó nghỉ việc, về làm tại một doanh nghiệp trong tỉnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh chưa lập hồ sơ đề nghị chốt sổ BHXH để nộp cho cơ quan BHXH.
Khi biết điều này, người lao động đã quay vào TP. Hồ Chí Minh và đề nghị doanh nghiệp làm thủ tục theo trách nhiệm; song, đại diện doanh nghiệp lại không thực hiện. Người lao động đề nghị BHXH Việt Nam xem xét, chỉ tính thời gian tham gia BHXH tại doanh nghiệp trong tỉnh, không ghi nhận đã đóng BHXH trong 3 tháng tại TP. Hồ Chí Minh để người lao động được hưởng các chế độ liên quan.
BHXH tỉnh đã ghi nhận trường hợp này để nghiên cứu và có hướng dẫn cụ thể sau. Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đặng Văn Lý khẳng định, theo quy định hiện hành, trong trường hợp phát hiện người lao động có 2 sổ BHXH thì phải làm thủ tục gộp sổ BHXH. Như vậy, quá trình tham gia BHXH của đơn vị trước đó phải được xác nhận. Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào cho phép "xóa" thời gian đã tham gia trước đó mà chỉ ghi nhận thời gian tham gia sau. Cho nên, sẽ rất khó khăn để hỗ trợ những trường hợp như vậy.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng Dương Ngọc Ánh giải thích thêm, nếu dễ dàng từ bỏ giai đoạn đã tham gia trước, chỉ hưởng giai đoạn sau này thì rất dễ dẫn đến tình trạng người lao động bỏ ngang khi đang làm việc tại doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Người lao động nghỉ việc phải báo cho chủ sử dụng lao động để họ chốt sổ BHXH, để họ chủ động phương án nhân sự cho mình. Người sử dụng lao động khi tuyển dụng cũng cần xem xét việc người lao động đã tham gia BHXH chưa, liên kết với cơ quan BHXH để xem trường hợp này đã được chốt sổ chưa...
Từ những trường hợp đưa ra tại buổi đối thoại, đại diện BHXH Việt Nam nhấn mạnh, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của 3 bên "chủ sử dụng lao động - người lao động - cơ quan BHXH" trong việc thực hiện quy định chính sách về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp nói riêng, pháp luật về lao động nói chung.