Theo đại diện Trung tâm CNTT và Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng BHXH Việt Nam, trong xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu và định hướng, chiến lược chuyển đổi số quốc gia, cũng như sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, ngành BHXH Việt Nam đã quyết tâm đầu tư xây dựng hệ thống CNTT theo định hướng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số; tích hợp, tập trung cấp quốc gia, hiện đại và đạt tiêu chuẩn quốc tế; với quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao, được vận hành bởi nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao; đáp ứng yêu cầu bảo hiểm an sinh xã hội, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày toàn diện hơn.
Trong đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, toàn ngành đã xây dựng, hoàn thiện kho Cơ sở dữ liệu của hơn 98 triệu người dân - tương ứng với gần 28 triệu hộ gia đình trên toàn quốc; kết nối liên thông với gần 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh; có trên 620.000 tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch cụ công trên toàn quốc… Đây là tiền đề quan trọng cho công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế trên môi trường số.
Hiện tại, toàn ngành đang có gần 30 ứng dụng CNTT quản lý các quy trình nghiệp vụ, với hơn 20.000 tài khoản công chức viên chức, người lao động thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của ngành. Theo đó, gần như các hoạt động của ngành cũng như các giao dịch của người dân, người lao động, đơn vị, doanh nghiệp với cơ quan BHXH đã được thực hiện trên môi trường số, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí trong các giao dịch với cơ quan BHXH.
Đáng chú ý, trên nền tảng ứng dụng CNTT, ngành đã và đang hoàn thiện hệ sinh thái 4.0 phục vụ người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ Tin nhắn (SMS); thanh toán trực tuyến; ứng dụng BHXH trên thiết bị di động; hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng; phân tích, khai thác dữ liệu của ngành trên Big Data; thiết lập Fanpage truyền thông trên hệ thống mạng xã hội. Đồng thời, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính của ngành;...
Bên cạnh đó, hệ thống chăm sóc khách hàng của ngành cũng được đổi mới, hiện đại với nhiều kênh trong tư vấn, hỗ trợ người tham gia như Hệ thống Call center; trí tuệ nhân tạo, trả lời tự động (Chatbot); fanpage trên Facebook; dịch vụ đánh giá sự hài lòng của người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế…
Sau khi thăm quan, tìm hiểu và trao đổi kinh nghiệm, Phó ban Hiện đại hóa dịch vụ Bộ Việc làm và Hưu trí Vương quốc Anh - Trưởng đoàn công tác Jacqui Moig đánh giá cao việc ứng dụng CNTT của BHXH Việt Nam vào các quy trình nghiệp vụ.
“Việc ứng dụng CNTT vào hoạt động nghiệp vụ không chỉ giúp cho cơ quan quản lý giảm bớt được nguồn nhân lực phục vụ, mà còn giúp người dân, các đơn vị sử dụng dịch vụ được thụ hưởng thành quả của công nghệ số” - Bà Jacqui Moig khẳng định.
Đại diện Bộ Việc làm và Hưu trí Vương quốc Anh cũng bày tỏ ấn tượng với quá trình chuyển đổi số “thần tốc” của BHXH Việt Nam, đặc biệt là việc xây dựng thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Với nguồn Cơ sở dữ liệu dồi dào và nền tảng CNTT phủ rộng, việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu của BHXH Việt Nam với các bộ, ngành đã góp phần rất hiệu quả trong việc xây dựng Chính phủ điện tử của Việt Nam.
Về hệ thống hỗ trợ, chăm sóc khách hàng, bà Jacqui Moig cho rằng, hệ thống quản lý của hai nước khá tương đồng. Trong đó với lượng người tham gia chính sách rất lớn, việc BHXH Việt Nam triển khai nhiều kênh trong tư vấn, hỗ trợ người tham gia rất đúng với xu thế quốc tế. Theo xu hướng, các công việc sẽ phải được xử lý hoàn toàn bằng công nghệ. Vì vậy, thời gian tới Bà Jacqui Moig mong muốn tiếp tục được hợp tác và trao đổi kinh nghiệm với BHXH Việt Nam trong lĩnh vực này.