Triển khai toàn diện các mặt công tác
Theo Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Tô Thị Thu Hà, trong năm 2024, đơn vị đã triển khai toàn diện các công tác, bao gồm tham mưu hoàn thiện thể chế, xây dựng đề án, chương trình phối hợp về PBGDPL, bảo đảm chất lượng. Cục PBGDPL đã phát huy vai trò tốt trong công tác hỗ trợ Bộ Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương, kịp thời tham mưu cho Chủ tịch Hội đồng ban hành Kế hoạch hoạt động.
Bên cạnh đó, công tác PBGDPL và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được thực hiện thành công, đúng kế hoạch đề ra và gắn chặt với các nhiệm vụ chính. Cục đã nắm bắt, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các bộ, ngành và địa phương.
Đặc biệt, trong năm 2024, Cục đã tổ chức thành công Diễn đàn Kinh doanh Pháp luật với chủ đề "Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp", kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 63 điểm cầu tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thu hút hơn 3.700 đại biểu tham gia. Diễn đàn đã tạo được tiếng vang lớn và ghi dấu ấn sâu đậm của Bộ, ngành tư pháp.
Cũng trong năm 2024, Cục đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Cục Báo chí, Cục Thông tin cơ sở - Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng 11 cơ quan báo, đài, để xây dựng và đăng tải hơn 500 tin bài trên website, các fanpage do Cục quản lý. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL và các hoạt động khác.
Công tác hòa giải ở cơ sở đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ được phê duyệt. Cục đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và ban hành Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030".
Công tác đánh giá và công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cục đã hướng dẫn các địa phương sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg Quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; thực hiện đánh giá và công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, cũng như tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật trong đánh giá nông thôn mới và đô thị văn minh.
Các văn bản, chương trình, đề án về PBGDPL đã được triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau; như tổ chức thành công 76 tọa đàm, hội thảo, lớp tập huấn về các lĩnh vực quản lý, chú trọng hướng về địa phương. Trong đó, có 17 hội nghị, hội thảo và lớp tập huấn về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đồng thời, Cục cũng đẩy mạnh hoạt động bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, đặc biệt là ở các địa phương.
Bảo đảm hiệu quả và chất lượng
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, năm 2024, Cục vẫn gặp phải một số tồn tại, hạn chế, như thiếu nhân sự và nguồn lực, dẫn đến một số nhiệm vụ bị chậm tiến độ và chưa đạt kết quả cụ thể.
Một số nhiệm vụ mới được giao nhưng chưa có biên chế và kinh phí, phải triển khai nhiều nhiệm vụ đột xuất. Công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là ở địa phương, còn chậm và hiệu quả chưa cao. Một số nhiệm vụ quan trọng chưa được bố trí kinh phí, khiến việc triển khai không thể thực hiện được. Theo thống kê, tính đến ngày 31.12.2024, Cục đã triển khai thực hiện 68/70 nhiệm vụ được giao, trong đó hoàn thành 64 nhiệm vụ (đạt 91,4%).
Khẳng định năm 2024 Cục PBGDPL đã thực hiện thành công và đạt chất lượng nhiều nhiệm vụ, lãnh đạo Bộ Tư pháp yêu cầu, Cục PBGDPL tiếp tục tham mưu Hội đồng PBGDPL Trung ương hướng dẫn thực hiện toàn diện, liên thông từ chủ trương, chính sách của Đảng đến pháp luật Nhà nước, bảo đảm tính toàn diện trong hoạt động PBGDPL. Đồng thời, cần tham mưu việc phân công nhiệm vụ cho các thành viên và hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát thực hiện công việc trong công tác PBGDPL.
Cục cũng cần phát huy vai trò quan trọng của cơ quan truyền thông báo chí trong công tác PBGDPL trong bối cảnh mới. Các cơ quan báo chí nên tinh gọn đầu mối, lựa chọn cơ quan chủ lực để thực hiện các hoạt động truyền thông chính sách; nghiên cứu, đề xuất việc trao giải để tôn vinh các cơ quan báo chí, cá nhân, tổ chức có đóng góp trong công tác truyền thông chính sách và tuân thủ nghiêm pháp luật. Bên cạnh đó, cần thực hiện các hoạt động PBGDPL một cách có trọng tâm, trọng điểm, kết nối với các chương trình mục tiêu trọng điểm quốc gia, nhưng tránh trùng lặp.
Góp ý cho Đề án chuyển đổi số trong hoạt động PBGDPL, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Lê Thu Anh cho biết, Đề án đang trình Thủ tướng Chính phủ. Do đó, Cục cần nghiên cứu và xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các nguồn lực ngay từ bây giờ để triển khai sau khi Đề án được ban hành.
Đại diện Cục Công nghệ thông tin đề nghị, Cục PBGDPL nghiên cứu triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác PBGDPL, đặc biệt trong việc triển khai Đề án chuyển đổi số. Trong bối cảnh hiện nay, nếu không ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công việc sẽ khó đạt chất lượng và hiệu quả.