Dư lợi lớn về lao động
Quy mô dân số của Việt Nam hiện đứng thứ 15 thế giới, tốp 3 khu vực Đông Nam Á và hiện đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao. Việt Nam bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng từ năm 2007. Cơ cấu dân số vàng là thời kỳ mà tỷ lệ những người từ 15-64 tuổi chiếm 66% tổng số dân trở lên. Đây là cơ cấu rất hiếm gặp được đánh giá quý và hiếm như vàng.
Theo các chuyên gia đánh giá giai đoạn cơ cấu dân số vàng của Việt Nam kéo dài từ 30-35 năm. Hiện, tỷ lệ người từ 15-64 tuổi của nước ta là 67,5%, như vậy với quy mô khoảng 100 triệu dân, số người có khả năng lao động tương ứng là 67,5 triệu. Đây là dư lợi lớn về lao động do cơ cấu dân số vàng mang lại, tạo cơ hội cho tăng trưởng kinh tế nhanh. Nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… đã có bước phát triển kinh tế “thần kỳ” trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng.
Tuy nhiên, cơ cấu dân số vàng cũng chỉ mang lại cơ hội cho tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước. Để tận dụng được cơ hội này, những người trong độ tuổi lao động phải khỏe mạnh, đủ sức làm việc và phải đủ trình độ; những người đủ sức làm việc phải có việc làm và những người có việc làm phải làm việc với năng suất cao.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2022, cả nước có 51,7 triệu người trong độ tuổi lao động. Song, có tới 73,8% số người trong độ tuổi lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật; chỉ 26,2% lao động có chuyên môn kỹ thuật. Tính đến quý I/2023, trong số 52,2 triệu người thuộc lực lượng lao động, vẫn có khoảng 38,1 triệu lao động chưa qua đào tạo. Điều này càng đặt ra những vấn đề cấp bách khi đất nước muốn ứng dụng công nghệ cao để tăng tốc phát triển, nhất là khi sự suy giảm tỷ lệ sinh và hạn chế mức sinh đang khiến cho quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh, dự báo Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036.
Hoàn thiện chính sách đồng bộ
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam chưa khai thác được hiệu quả lợi thế của cơ cấu dân số vàng. Nguyên nhân là do chất lượng nguồn nhân lực cũng như năng suất lao động còn hạn chế. Chúng ta chưa tận dụng được nguồn lao động dồi dào mà chủ yếu là khai thác lao động giá rẻ và lao động giản đơn, hiện 33,2% việc làm kỹ năng thấp, chỉ có 11,2% việc làm kỹ năng cao.
Nhiều ý kiến cho rằng, nước ta đang ở thời kỳ dân số vàng nhưng đồng thời cũng đang già. Do đó, để tận dụng hai yếu tố dân số trẻ, quy mô lớn, cũng như nâng cao mức thu nhập cho người lao động, cần phát triển hệ thống y tế, giáo dục để thúc đẩy phát triển nhân lực, thể lực, trí lực, giúp người lao động Việt Nam được ra ở tuyến đầu và tuyến cuối của chuỗi sản xuất toàn cầu. Nếu nằm ở giữa chuỗi thì sẽ mãi thu nhập thấp, năng suất sẽ không tăng lên được.
Đồng thời, cần hoàn thiện thể chế, chính sách đồng bộ, thống nhất nhằm tạo dựng và nâng cao hiệu quả vận hành thị trường lao động linh hoạt, hội nhập và bền vững đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp, xu hướng chuyển đổi chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực. Chủ động đào tạo lại, đào tạo thích ứng cho lực lượng lao động đang làm việc; thực hiện phương châm học suốt đời, học linh hoạt nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng của người lao động.
Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao nhận thức của công nhân, người lao động để họ thấy rõ việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp vừa là quyền lợi vừa là yêu cầu để bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao năng suất lao động, bảo đảm chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh... Đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn, tạo việc làm cho lực lượng lao động trẻ, thanh niên.