Đa dạng nguồn lực đầu tư nhà ở cho lao động
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay, trên địa bàn cả nước có trên 60% công nhân lao động đang phải thuê nhà ở gần các khu công nghiệp, khu chế xuất... Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhà ở dành cho người lao động còn chậm. Trong số đó có nhiều người lao động đang gặp rất nhiều khó khăn về chỗ ở hoặc có chỗ ở nhưng chất lượng sinh hoạt còn thấp.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho rằng, đến nay, chính sách phát triển nhà ở xã hội chỉ đề cập đến đối tượng trong khu công nghiệp, chưa có sự tham gia của các đối tượng khác. Trong khi đó, lại có các thành phần khác tham gia rất tích cực. Do đó, cần có sự vào cuộc của các địa phương đang có điều kiện, cân đối được chính sách để phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, có tính tới yếu tố nhà ở cho công nhân là nhà thuê. Khi đã xác định được các thành phần như vậy, việc sửa đổi cơ chế chính sách mới thực sự đồng bộ, toàn diện.
Về chính sách phát triển nhà ở, ông Nguyễn Đình Khang cho rằng, nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội là một phần cấu thành của công tác xã hội. Do đó, cần xác định các hệ thống cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại. Vừa qua, đã có những cơ chế, chính sách nhưng việc phát triển chưa mạnh, vẫn còn tình trạng thiếu nhà ở, nhất là nhà ở xã hội.
Đối với thành phần là người dân tham gia xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở, nhà trọ cho công nhân rất cần có sự chung tay của Nhà nước cũng như sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương để bảo đảm cho nhà trọ có tiêu chuẩn, có mật độ…
"Tất cả những nội dung đó cần phải được chú trọng, để bảo đảm huy động được các nguồn lực từ Nhân dân cả về tiền bạc, đất đai, tham gia phát triển nhà ở xã hội" - ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.
Đầu tư khu công nghiệp cần gắn với nhà ở cho lao động
Mới đây tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp (ngày 1.8.2022) do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đã chỉ ra rằng, chính sách phát triển nhà ở xã hội theo quy định phải hướng đến tạo lập nhà ở cho các đối tượng có khả năng tài chính phù hợp. Tuy nhiên, việc dành quỹ đất phát triển nhà ở trong các dự án đô thị, thương mại còn gặp nhiều khó khăn. Về chính sách thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội có thể thấy lợi nhuận trong các dự án thấp, ưu đãi cho các chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở xã hội, thì thực chất nhà đầu tư không được hưởng do các ưu đãi không được tính vào giá thành nên chưa thực sự hấp dẫn doanh nghiệp. Hiện nay, không có nhiều quỹ đất sạch, đặc biệt các dự án xa trung tâm, không hấp dẫn các nhà đầu tư…
Để giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc tham mưu, để bảo đảm đồng bộ pháp luật về đất đai, nhà ở, đầu tư, đề nghị sửa Điều 149 Luật Đất đai theo hướng khi đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, phải có quy hoạch xây dựng khu nhà ở, công trình cho người lao động trong khu công nghiệp.
Thêm vào đó, về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, cần rà soát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện quy định dành 20% quỹ đất nhà ở trong khu thương mại, đô thị cho các địa phương để có điều chỉnh cho phù hợp. Đặc biệt, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để điều chỉnh lại tỷ lệ nhà ở xã hội trong các khu đô thị, khu thương mại.
Về quy trình, nhiều chuyên gia cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, hiện nay, đang có sự vênh về pháp luật nhà ở và pháp luật về đất đai. Pháp luật về nhà ở quy định nhà ở xã hội được bán đấu giá, đấu thầu đối với trường hợp Nhà nước cho thuê đất. Tuy nhiên, theo Nghị định số 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP về thi hành một số điều của Luật Đất đai, đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư đặc biệt được miễn tiền thuê đất thì không thực hiện đấu giá, đấu thầu. Do đó, thời gian tới, cần sửa đổi các quy định để bảo đảm đồng bộ.
Từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Hosiden Việt Nam (Bắc Giang) cho biết, qua nắm bắt tại công ty, rất nhiều người lao động có nhu cầu về nhà ở xã hội. Tuy nhiên, không chỉ vấn đề quỹ đất mà giá nhà ở xã hội cũng là vấn đề lớn đối với công nhân lao động. Nếu giá nhà ở xã hội ở mức 600 triệu đồng/căn thì người lao động mới có thể tiếp cận được. Mặt khác, việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân phải chú trọng đến chất lượng, phù hợp với số tiền mà công nhân bỏ ra. Cùng với đó, phải có cả một “hệ sinh thái” như nhà trẻ, chợ, khu vui chơi giải trí… để phục vụ cho cuộc sống gia đình công nhân.
Ông Tân cho rằng, chủ đầu tư nào có các giải pháp như trên thì mới được duyệt giấy phép xây dựng, tránh tình trạng các chủ đầu tư chỉ xây nhà để bán, nhằm mang lại lợi nhuận cao nhất.