Hoàn thiện cơ chế, chính sách
- Xây dựng NTM là một trong những chỉ tiêu quan trọng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An Khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ông hãy cho biết kết quả xây dựng NTM của tỉnh đến thời điểm hiện nay?
Nhiều năm qua, xây dựng NTM luôn được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị, xã hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Tính đến hết năm 2022, tỉnh có 309/411 xã đạt chuẩn NTM; 42 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 9 đơn vị cấp huyện, thị trấn, thành phố hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2022 là 35,5 triệu đồng/năm.
- Xây dựng NTM ở miền núi Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn, theo ông, cần có những giải pháp gì để khắc phục thực tế này?
Hiện nay, các xã chưa về đích NTM chủ yếu là các xã miền núi và xã khó khăn. Đối với các xã này, nhất là ở các địa phương có nguồn thu ngân sách tại chỗ thấp, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách trung ương, thì việc phấn đấu đạt chuẩn đủ 19 tiêu chí trong 5 năm tới là khó khả thi. Do vậy, cần xác định mục tiêu phù hợp với các xã khó khăn để tạo động lực cho các xã vươn lên, từng bước vượt qua tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Thêm nữa, cũng cần có những điều chỉnh về cách làm, cơ chế, chính sách để bảo đảm vai trò chủ thể thực hiện.
Các địa phương cần triển khai thực hiện lồng ghép có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng NTM và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Tập trung ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực: phát triển sản xuất, tạo sinh kế để nâng cao thu nhập, giảm nghèo, nâng cao dân trí, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu. Cùng với đó, cần chú trọng đến công tác rà soát, đánh giá kết quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của các chương trình đã đầu tư ở miền núi.
Các xã cần chủ động ưu tiên triển khai thực hiện các tiêu chí dễ, ít kinh phí. Có sự phân công rõ ràng, cụ thể trong việc chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM, góp phần đưa các xã miền núi khó khăn phát triển, rút ngắn khoảng cách với các xã miền xuôi trên lộ trình xây dựng NTM.
Sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo triển khai
- Được biết, hiện nay yêu cầu tiêu chí NTM, NTM nâng cao theo quy định mới của Chính phủ cao hơn. Vậy, giải pháp như thế nào cho vấn đề trên, thưa ông?
- Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 318/QĐ-TTg ban hành Bộ Tiêu chí Quốc gia về xã NTM và Bộ Tiêu chí Quốc gia về xã NTM nâng cao, giai đoạn 2021 - 2025, với nhiều nội dung yêu cầu cao hơn. Bởi vậy, giải pháp đặt ra là cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tập trung, quyết liệt, sáng tạo hơn trong chỉ đạo, bảo đảm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo lộ trình. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM, chú trọng quản lý chặt chẽ việc sử dụng các nguồn lực thực hiện chương trình, phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội, sự giám sát của cộng đồng dân cư.
Thực hiện xây dựng NTM phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân. Cải thiện điều kiện sống, nhà ở, đổi mới tư duy, nếp sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, môi trường, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền. Duy trì và đẩy mạnh phong trào thi đua “Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới”, kịp thời khen thưởng xứng đáng cho các tập thể làm tốt, các cá nhân thực hiện tốt.
- Xin cảm ơn ông!
(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương)