
Ludwig van Beethoven (1770 - 1827) là nhà soạn nhạc nổi danh bậc nhất của nhân loại với những bản giao hưởng hoành tráng, phong cách mạnh mẽ và tuyệt đẹp. Nhưng tất cả những kiệt tác ông để lại đó đều được sáng tác khi ông bị chìm vào cõi vô thanh. Người đương thời và cả hơn hai trăm năm sau chỉ phỏng đoán, không thể biết ông bị bệnh gì. Chỉ đơn giản là từ năm 1801 ông bị điếc, hoàn toàn không nghe thấy gì nữa. Bị điếc tức là bản án tử hình đối với một nhạc sĩ, Beethoven thậm chí đã viết di chúc, coi như cáo chung một cuộc đời và một sự nghiệp. Nhưng rồi khát vọng sống, ý chí lớn, trên hết là một tài năng phi thường, đã đưa ông vượt qua định mệnh. Những tác phẩm lớn nhất của ông, cũng là lớn bậc nhất của nhân loại, đã được viết trong cõi không âm thanh: bản Christus am Oelberge (Chúa Jesus trên núi ô liu), Missa Solemnis (Lễ Missa trang nghiêm), bản xô nát Ánh trăng… các bản giao hưởng vĩ đại Anh hùng ca, Định mệnh, Đồng quê, Hợp xướng, Giao hưởng số 9… và vở opera Leonore (sau đổi tên thành Fidelio)…
Ông đã làm cho người thưởng thức âm nhạc ở Đức, Áo, và châu Âu thời đó, vốn quen tai với những bản nhạc ngọt ngào dịu dàng êm ái kiểu Mozart mà phản ứng. Nhưng với âm nhạc của Beethoven, dần dần công chúng nhận ra một thứ âm nhạc khác: đấy là những bản giao hưởng thời lượng lớn, hùng tráng và diễm lệ, đặc biệt là có chiều sâu tâm trạng. Ngày nay người ta vẫn còn bị cuốn vào làn sóng âm thanh tầng tầng lớp lớp của những bản nhạc như Giao hưởng số 9, trong đó Beethoven là người đầu tiên sử dụng dàn thanh nhạc cho thể loại giao hưởng vốn chỉ dùng nhạc cụ.
Beethoven hầu như không có tuổi thơ. Cha của ông là một ca sĩ giọng nam cao trong cung đình, đầy tham vọng biến đứa con trai thành thần đồng như Mozart. Beethoven bị cha bắt học đàn piano từ khi mới bốn tuổi. Đang ngủ cũng bị cha dựng dậy bắt tập đàn, ăn dở bữa cũng bị lôi ra tập. Đến mức ở lớp bị thầy phạt đứng trong góc lớp mà vẫn thích hơn là phải về nhà để tập đàn. Nhưng rồi ngay cả đến lớp cũng bị cấm, từ năm mười một tuổi, Beethoven bị bắt nghỉ học để ở nhà luyện piano. Hậu quả là sau này dù đã trưởng thành, ông vẫn không biết làm toán và viết thì sai chính tả.
Nhưng tài năng bẩm sinh cộng khổ luyện khiến cho ngay từ lúc tám tuổi, Beethoven đã được vào biểu diễn trong cung đình. Chín tuổi đã vượt cha và thầy dạy nhạc, phải mời thầy khác. Mười hai tuổi, chú bé được làm trợ thủ chơi đàn organ trong cung đình. Tài năng của chú bé được truyền tụng khắp nơi. Mười bảy tuổi chàng trai rời nước Đức đến thành Vienna nước Áo làm học trò của Mozart, hăm mốt tuổi đến học thầy Haydn - đó đều là những nhạc sĩ bậc thầy. Tuy nhiên, hai nhạc sĩ vĩ đại quá bận rộn cho nên không dành được thời gian cho Beethoven. Anh phải tìm đến những vị thầy khác. May mắn cho anh, trong suốt cuộc đời, anh được nhiều vị quý tộc bảo trợ để khắc phục hoàn cảnh khó khăn, tập trung vào sáng tác.
Nhiều sự kiện trong đời Beethoven được lưu truyền: thời kỳ ở thành Vienna, Beethoven được vợ chồng công tước Lichnowsky bảo trợ hoàn toàn về tài chính, được sống ngay trong dinh cơ gia đình họ, được giới thiệu với giới quý tộc và các đối tác. Nhưng rồi có lần công tước bảo Beethoven biểu diễn cho một số tướng lĩnh Pháp nghe. Lúc ấy Pháp đang xâm lược nước Áo và giọng điệu của công tước thì như ra lệnh. Beethoven cảm thấy bị tổn thương, anh đã phản ứng và quyết định rời nhà công tước, bỏ đi nơi khác sống.
Khi Napoleon Bonaparte mới nổi lên là một viên tướng trẻ, Beethoven đầy cảm hứng về một nhân tố đem đến niềm hy vọng mới, và sáng tác bản giao hưởng Anh hùng để tặng cho Napoleon. Nhưng sau đó Napoleon xưng vương, Beethoven hoàn toàn thất vọng vì đã tưởng Napoleon là vị anh hùng theo lý tưởng tự do và bình đẳng, mà thực tế chỉ là kẻ độc tài tham quyền lực. Thần tượng sụp đổ, Beethoven đã xé nát bản giao hưởng. Lâu lâu sau, ông mới viết lại và đặt tên là giao hưởng Anh hùng ca, truyền tới người nghe cảm xúc về hình tượng những người anh hùng nói chung.
Cuộc sống chồng chất bi đát vì bệnh tật, vì khó khăn kiếm sống, lại thêm vụ kiện tụng giành quyền nuôi đứa cháu khiến Beethoven càng thêm đau khổ. Người em trai trước khi mất, có nguyện vọng gửi gắm đứa con trai cho Beethoven chăm sóc. Mấy năm trời, ông bị cuốn vào vụ kiện để được quyền nuôi cháu. Về sau, ông thậm chí di chúc để lại toàn bộ tài sản cho người cháu này, nhưng người cháu chỉ muốn thoát khỏi ảnh hưởng nghiệt ngã của ông để được đi lính.
Câu chuyện cuộc đời Beethoven được tái hiện khá hấp dẫn, lại được bổ trợ bằng hình thức truyện tranh rất sinh động. Cũng cần nhắc lại một lần nữa: các văn nghệ sĩ Hàn Quốc rất giỏi trong việc tạo dựng truyện tranh và họ đã tạo ra một phong cách truyện tranh riêng biệt, rất hấp dẫn và bổ ích.
Bản dịch có một hạt sạn cần sửa ở trang 28: ca sĩ giọng tenor (nam trầm). Thực ra tenor là giọng nam cao, và ở những trang khác đã dịch đúng.
Hồ Anh Thái
------
* Chuyện kể về danh nhân thế giới - Ludwig van Beethoven, truyện của Park Yeonah, tranh của ChungBe Studios, Nguyễn Thị Thắm dịch, NXB Kim Đồng tái bản 2021.