Đáng chú ý, giá vốn hàng bán của HPX còn vượt doanh thu lên mức 361 tỷ đồng, tình trạng “thu ít hơn chi” dẫn đến HPX chịu lỗ gộp hơn 34 tỷ đồng.
Dù lỗ gộp nhưng nhờ doanh thu tài chính từ việc bán các khoản đầu tư, cùng chi phí phát sinh trong kỳ giảm mạnh, HPX lãi ròng hơn 19 tỷ đồng trong quý cuối năm, giảm 86% so với cùng kỳ 2021.
Tính chung cả năm 2022, lợi nhuận sau thuế của HPX giảm 56%, lùi về 142 tỷ đồng. Doanh thu thuần của HPX đạt 1.634 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ.
Năm 2022, HPX đề ra mục tiêu đạt 2.700 tỷ đồng doanh thu và 450 tỷ đồng lợi nhuận, với kết quả này, công ty chỉ thực hiện được gần 61% mục tiêu doanh thu và chỉ hơn 31% mục tiêu lợi nhuận.
Tại thời điểm 31.12.2022, tổng tài sản của HPX là 9.293 tỷ đồng, giảm 3% so với hồi đầu năm. Các khoản phải thu dài hạn như khoản phải thu theo các hợp đồng hợp tác đầu tư của Công ty tăng gấp 2,4 lần đầu năm, lên 1.346 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả của công ty tại thời điểm cuối năm giảm 7%, còn 5.640 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay giảm 29%, còn 3.318 tỷ đồng. Các khoản vay tại thời điểm này của HPX chủ yếu là vay nợ thuê tài chính dài hạn.
Xét về dòng tiền, trong cả năm 2022, Hải Phát ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính dương 1.179,3 tỷ đồng, tăng mạnh hơn so với số âm 2.832 tỷ đồng của năm 2021. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm gần 255,8 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm hơn 1.406,6 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HPX chứng kiến đà lao dốc mạnh kể từ thời điểm cuối tháng 10.2022 từ vùng 26.000 đồng/cp về còn 5.040 đồng/CP chốt phiên 27.1.2023.