Định vị lại thế mạnh, phát triển theo chiều sâu

Bên cạnh phân tích thực trạng, làm rõ cơ hội, thách thức, các bài viết gửi đến Hội thảo Du lịch 2021 còn đề xuất nhiều giải pháp vừa có lý luận, vừa thực tiễn, nhằm phục hồi, phát triển du lịch Việt Nam hậu Covid-19.

Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ:
Cần thí điểm “thẻ thông hành xanh”

Để khôi phục các hoạt động du lịch nội địa hiệu quả, cần hoàn thành nhanh việc tiêm vaccine đủ 2 mũi cho ít nhất 70% người dân từ 18 tuổi và người lao động trong ngành du lịch tại các điểm đến; bảo đảm các điều kiện về hạ tầng y tế, nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch; đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để xử lý sự cố phát sinh; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong việc đón khách du lịch và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Tập trung phục hồi giao thông vận tải vì du lịch không thể phục hồi và phát triển nếu không phục hồi thông suốt giao thông vận tải và đó là điều kiện cần tiên quyết đầu tiên. Bởi trong du lịch không có khái niệm biên giới giữa tỉnh nọ với tỉnh kia, mà hiện nay chúng ta đang phân chia và giới hạn các vùng với nhau.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong lộ trình áp dụng "hộ chiếu vaccine" để mở cửa du lịch và đón khách quốc tế. Chúng ta cũng cần sớm có chính sách tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu được về nước. Học tập kinh nghiệm của một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore chia ra ba mức ưu tiên khác nhau để tiếp nhận khách quốc tế là: Mở cửa đơn phương, bong bóng du lịch và làn xanh đối ứng.

Cần triển khai chương trình thí điểm thẻ thông hành xanh. Giải pháp này hiệu quả không chỉ với du lịch mà còn có thể tháo “nút thắt” cho nhiều ngành khác, từ thương mại, vận tải, hàng không, dịch vụ, thể thao, văn hóa… để dần phục hồi các hoạt động kinh tế nước nhà. Ngành du lịch nghiên cứu, triển khai thí điểm sớm, đồng bộ thẻ thông hành xanh trên cả nước cho một bộ, ngành làm đầu mối và chịu trách nhiệm.

Tổng giám đốc Oxalis Adventure Nguyễn Châu Á:
Định vị lại thế mạnh du lịch của Việt Nam

Để phục hồi và tăng trưởng du lịch Việt Nam hậu Covid-19, cần định vị, định hình du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới. Với những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên lịch sử văn hóa thì Việt Nam cần xác định lại vị thế và thế mạnh du lịch của Việt Nam bao gồm các lĩnh vực: Văn hóa, lịch sử; du lịch thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao và các lĩnh vực khác phù hợp với thị hiếu và đặc điểm của các thị trường khách du lịch mục tiêu cũng như xác định cụ thể phạm vi và quy mô, thực hiện chiến lược phát triển phù hợp với các thị trường tiềm năng. Một khi đã có những lĩnh vực then chốt thì Việt Nam sẽ dễ dàng quy hoạch và mời gọi các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có nghề đến để tạo ra những sản phẩm độc đáo, đi đầu và dẫn đầu xu thế của thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần có chiến lược quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam ra thế giới theo kịp với các xu thế công nghệ hiện nay. Đầu tư một khoản tiền tương xứng để quảng bá tạo nhận thức điểm đến tại các thị trường mục tiêu nhằm tạo ra nhu cầu du lịch, giúp các doanh nghiệp du lịch bán được sản phẩm đến khách hàng. Một khi công tác quảng bá được thực hiện tốt thì khách du lịch sẽ yên tâm và mạnh dạn đến Việt Nam du lịch.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, để phát triển cần có sự đồng bộ hóa hạ tầng kỹ thuật, chính sách phát triển của du lịch và các ngành nghề liên quan đặc biệt là ngành dịch vụ và các ngành kinh tế bổ trợ. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có chính sách để huy động tổng hợp các nguồn lực cả đầu tư công, đầu tư tư nhân để phát triển du lịch; quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết nối giữa các trung tâm du lịch lớn trong cả nước; ưu tiên phát triển du lịch tại các địa phương phù hợp với lợi thế của từng tỉnh, thành phố trong chiến lược phát triển chung của điểm đến du lịch Việt Nam để mỗi địa phương có sản phẩm du lịch đặc trưng, đẳng cấp và thương hiệu...

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội Trịnh Cao Khải:
Phát triển bền vững theo chiều sâu

Đại dịch Covid-19 được coi là thời điểm quan trọng để thiết lập lại quan điểm và hoạt động du lịch phát triển bền vững. Tìm kiếm các giải pháp phát triển du lịch xanh, phát triển du lịch theo nguyên tắc tuần hoàn, bảo vệ sự đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên của địa phương sẽ thúc đẩy đa dạng hóa và khả năng phục hồi trong du lịch sau Covid-19. 

Có 4 định hướng giải pháp chuyển đổi chính trong giai đoạn này:

Một là, tập trung chuyển đổi trong làm chính sách phát triển du lịch. Xác định rõ mục tiêu tăng trưởng xanh trong du lịch được thực hiện dựa trên khung chính sách tuân thủ các nguyên tắc phát triển bền vững, giảm thiểu rủi ro du lịch đang nảy sinh trong quá trình hoạt động.

Hai là, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tiêu dùng du lịch dựa trên thực tiễn địa bàn để thực hành nguyên tắc xanh và bền vững trong việc vừa đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong và ngoài nước và xây dựng, quản lý điểm đến du lịch bền vững. Khuyến khích khách du lịch lựa chọn các sản phẩm du lịch có trách nhiệm.

Ba là, thay đổi cách tiếp cận kinh doanh du lịch theo cách hướng đến giá trị cho con người và bảo vệ môi trường thông qua thúc đẩy những trải nghiệm đích thực cho khách.

Bốn là, nâng cao năng lực của cộng đồng thông qua phát triển du lịch và bảo tồn. Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào việc ra quyết định và công bằng trong chia sẻ lợi ích từ mô hình kinh doanh, quản trị tốt, quản lý hiệu quả tài nguyên và tiếp cận thị trường là cách thức quan trọng hàng đầu để nâng cao năng lực phát triển du lịch lâu dài.

Du lịch - Thể thao

Nhìn lại “đảo ngọc” sau một thập kỷ, điều gì góp phần tạo nên kỳ tích?
Du lịch - Thể thao

Nhìn lại “đảo ngọc” sau một thập kỷ, điều gì góp phần tạo nên kỳ tích?

Nhằm thực hiện quy hoạch phát triển theo phê duyệt của Chính phủ, ngoài sự quyết liệt của hệ thống chính quyền thành phố, Phú Quốc còn có một lợi thế đặc biệt để sớm trở thành đô thị biển đảo, trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao, đó là thu hút được những nhà đầu tư có tiềm lực và có tầm nhìn.

Một bức tranh tại triển lãm 3D "Côn Đảo - Bản hùng ca giữa trùng khơi"
Văn hóa - Thể thao

Côn Đảo - Bản hùng ca giữa trùng khơi

Đây là chủ đề triển lãm 3D do Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo, Sở Văn hóa và Thể thao Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức, nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tuần lễ Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu 2024: 1.000 phòng nghỉ miễn phí và nhiều hoạt động hấp dẫn
Văn hóa - Thể thao

Tuần lễ Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu 2024: 1.000 phòng nghỉ miễn phí và nhiều hoạt động hấp dẫn

Từ ngày 27 đến 29.12.2024, Tuần lễ Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ diễn ra tại TP. Vũng Tàu và huyện Xuyên Mộc, hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm thú vị, thu hút du khách trong và ngoài nước, góp phần kích cầu du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.