Có giải pháp kiềm chế lạm phát
Qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, các ĐBQH cơ bản đồng tình với những nội dung theo báo cáo đã thể hiện. Đồng thời cho rằng, những nội dung cải cách tiền lương đã nêu trong báo cáo cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Chính phủ. Đặc biệt, khi có thông tin về cải cách tiền lương, nhiều ĐBQH đã nhận được nhiều thông tin phản hồi tích cực từ phía cử tri và Nhân dân.

Đánh giá cao việc điều chỉnh tiền lương, lương hưu, các khoản trợ cấp, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho rằng, trong tổng thể điều chỉnh trợ cấp về tiền lương, Chính phủ đã ưu tiên dành mức điều chỉnh cao nhất trợ cấp ưu đãi người có công và điều chỉnh mức xã hội. Đây cũng là nội dung mà cử tri đã phản ánh nhiều tại các cuộc TXCT và lần này Chính phủ đã có mức điều chỉnh cao nhất.
ĐBQH Đỗ Đức Duy (Yên Bái) cũng kiến nghị, cùng với việc thực hiện các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh nâng lương và khoản trợ cấp, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương rà soát để điều chỉnh hợp lý theo lộ trình mức khoán phụ cấp hàng tháng đối với một số chức danh hoạt động không chuyên trách ở cơ sở, những người làm việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công theo cơ chế khoán theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập của Chính phủ và gần đây nhất là đối tượng những người là thành viên của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện theo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023 sẽ có hiệu lực từ ngày 1.7.2024.

Theo Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc, báo cáo và nội dung thẩm tra của Ủy ban Xã hội cho thấy, việc thực hiện cải cách tiền lương lần này của Chính phủ đã bám sát Nghị quyết 27 ngày 21.5.2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; bảo đảm tương quan cân đối công bằng bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương và trợ cấp, tạo động lực để nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà (Hòa Bình) khẳng định, Chính phủ đã thực hiện nghiêm túc, nỗ lực trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương liên quan đến cải cách tiền lương. Mặc dù, chưa thực hiện được hết tất cả các nội dung theo Nghị quyết 27 nhưng mức tiền lương đưa ra đã cải thiện rất đáng kể cho cán bộ, công chức, người lao động khối Nhà nước với mức điều chỉnh rất hợp lý, tối ưu.
Về thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, đây là mức tăng đáng ghi nhận trong quá trình điều chỉnh tiền lương, góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân cả nước cũng mong rằng, cùng với việc cải cách tiền lương thì, Chính phủ sẽ thực hiện các giải pháp để kiềm chế lạm phát. Qua đó, giúp quá trình thực hiện theo mục tiêu Nghị quyết 27 của Trung ương được thuận lợi.
Tách bạch giữa hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường với nhiệm vụ chính trị của VNA
Liên quan tới phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17.11.2020 của Quốc hội, ĐBQH Đỗ Đức Duy kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành có liên quan chủ trì phối hợp với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) nghiên cứu để trình Chính phủ ban hành quy định hoặc hướng dẫn về cơ chế tài chính đối Vietnam Airlines. Bởi, VNA hiện là công ty nhà nước, một mặt thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh bình đẳng như các doanh nghiệp khác nhưng đồng thời cũng phải thực hiện một số nhiệm vụ chính trị theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.
Do vậy, đại biểu Đỗ Đức Duy cho rằng, Chính phủ nên có cơ chế tài chính theo hướng tách bạch giữa hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường của Vietnam Airlines với tư cách là doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác ngành hàng không. Đồng thời, có phương thức đặt hàng hoặc có cơ chế hỗ trợ tài chính đối với những nhiệm vụ VNA phải thực hiện để bảo đảm nhiệm vụ chính trị cho sự phát triển kinh tế - xã hội theo yêu cầu của Chính phủ và các cấp có thẩm quyền.
“Nếu giải quyết được như vậy sẽ bảo đảm được tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, về lâu dài chúng ta sẽ không cần sự hỗ trợ như khoản vay tái cấp vốn như thời gian vừa qua. Khi đó, những phần thực hiện theo nhiệm vụ chính trị thì có cơ chế hỗ trợ rõ ràng, còn lại sẽ thực hiện theo cơ chế kinh doanh bình đẳng như các doanh nghiệp khác”, đại biểu Duy nêu quan điểm.