Đưa cáp điện vượt đại dương
Trước đây, điện là một trong những vấn đề khó khăn của huyện đảo Phú Quốc, đời sống của người dân và sản xuất của doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại khi phải dùng điện chạy máy phát diesel chi phí cao.
Năm 2002, Công ty Điện lực 2 (nay là Tổng công ty Điện lực Miền Nam) đã tiếp nhận nhà máy diesel, lưới điện trên đảo Phú Quốc từ tỉnh Kiên Giang. Với những nỗ lực không ngừng, ngày 2.2.2014, Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC) chính thức đóng điện và đưa vào vận hành dự án cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc với khả năng truyền tải công suất lên đến 131MVA. Đây là công trình đường dây cáp ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á, với tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng để đem điện lưới quốc gia ra đảo, thay thế hoàn toàn nguồn điện diesel trên đảo.
Vào thời điểm tiếp nhận lưới điện Phú Quốc năm 2002, hệ thống điện trên đảo chỉ gồm 41km đường dây trung thế, 44km đường dây hạ thế, 1 trạm phát điện diesel có công suất khoảng 3MW dùng để cấp điện cho 4.252 khách hàng. Tổng công ty Điện lực miền Nam, PC Kiên Giang đã liên tục thực hiện đầu tư đồng bộ hệ thống nguồn và lưới điện trên đảo với tổng số vốn hơn 7.080 tỷ đồng. Đến nay, quy mô đường dây trung thế, hạ thế và trạm biến áp phân phối đã tăng gần 100 lần, bảo đảm điện cho số khách hàng tăng gấp 10,5 lần.
Theo số liệu của EVNSPC, phụ tải sử dụng điện Phú Quốc giai đoạn 2004 - 2010 tăng trưởng trung bình 17%/năm; giai đoạn 2010 - 2020 đạt 27%/năm; giai đoạn 2020 - 2023 đạt 14%/năm. Phú Quốc là địa bàn phát triển phụ tải sử dụng điện tăng nhanh nhất trong tỉnh Kiên Giang, đồng thời cũng là địa bàn có tỷ lệ khách hàng thương mại - dịch vụ cao nhất.
"Chuyển mình" nhờ nguồn điện an toàn, ổn định
Có thể nói, các dự án đầu tư xây dựng công trình điện đã giúp cho người dân và các doanh nghiệp trên huyện đảo Phú Quốc trong 10 năm qua "chuyển mình" tích cực nhờ nguồn điện an toàn, ổn định; góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư, phát triển du lịch và kinh tế biển. Đáng chú ý, từ thời điểm có điện lưới, giá điện tại đảo ngọc cũng về mức bình quân tương đương với đất liền, giảm gần 50% so với thời điểm chưa có điện lưới quốc gia.
Ngành du lịch tại đảo Phú Quốc cũng đã có nhiều sự phát triển vượt bậc kể từ khi có điện lưới quốc gia. Theo số liệu từ Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, một năm sau khi "điện về đảo", năm 2015, đảo đón 913.000 lượt du khách; năm 2016 số lượt khách đến đảo tiếp tục tăng lên 1,5 triệu lượt; năm 2017 tăng gấp 2 với gần 3 triệu; năm 2018 đón trên 4 triệu và năm 2019 tăng lên trên 5,1 triệu. Sau thời gian gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, từ tháng 1.2023 đến tháng 10.2023, đã có gần 5,2 triệu lượt du khách đến đảo. Đến nay, có nhiều chuyến bay quốc tế bay thẳng đến Phú Quốc với tần suất 2 - 4 chuyến mỗi tuần.
Để đáp ứng nhu cầu phụ tải sử dụng điện đang tăng nhanh của đảo, EVNSPC đã tăng công suất trạm biến áp, đồng thời tiếp tục đầu tư nhiều công trình điện. Trong đó, phải kể đến đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc với tổng mức đầu tư lên đến 2.212 tỷ đồng, nhằm tăng cường nguồn cung cấp điện. Sau khi đóng điện, tình trạng quá tải kéo dài trên lưới điện phân phối đảo Phú Quốc đã cơ bản được giải quyết, độ tin cậy cung cấp điện cũng ngày càng được nâng cao.
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã nhận định, "việc đưa điện lưới lên đảo Phú Quốc là điều vô cùng khó khăn, nhưng với những nỗ lực vượt bậc của ngành điện, người dân Phú Quốc đã có điện lưới quốc gia để sử dụng. Từ đó, tạo đà cho huyện đảo phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư mạnh mẽ trên địa bàn, đặc biệt là du lịch và kinh tế biển. Việc kéo điện lưới ra đảo Phú Quốc là minh chứng cho việc biến những thách thức thành cơ hội để tạo ra sự đột phá mà trong tương lai cần khuyến khích".
Tại Hội nghị tổng kết Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg về phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020; các chuyên gia cho rằng, sau 20 năm thực hiện Quyết định số 178, Phú Quốc cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, như tốc độ tăng trưởng nhanh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; thu hút đầu tư ấn tượng; cơ sở hạ tầng (hệ thống điện, đường…) cơ bản bảo đảm chất lượng… Có thể thấy, Quyết định số 178 của Thủ tướng Chính phủ đóng vai trò là kim chỉ nam, mở đường và định hướng phát triển cho đảo ngọc Phú Quốc.
Theo đó, việc phát triển Phú Quốc không phải là nhiệm vụ riêng của Kiên Giang hay Phú Quốc mà là nhiệm vụ chung của cả nước với tinh thần chia sẻ, quan tâm. Để tiếp tục nâng cao và phát triển tiềm năng của đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, cần chú trọng vào 3 vấn đề để tiếp tục phát triển đảo Phú Quốc, đó là nước, điện và sóng. Trong đó, cần bảo đảm cung cấp điện song hành cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội.