ĐH Quốc gia Hà Nội hiện có 13 đơn vị đào tạo thành viên và trực thuộc, gồm 9 trường đại học thành viên và 4 Khoa/trường trực thuộc. Năm 2023, ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển sinh tổng số 14.945 chỉ tiêu vào 143 ngành/chương trình đào tạo.
Để tìm hiểu rõ hơn về thông tin tuyển sinh năm 2023 của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng như những lưu ý tới thí sinh đang có nguyện vọng xét tuyển vào các đơn vị đào tạo thành viên/trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trò truyện với PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Điểm mới trong hoạt động tuyển sinh năm 2023
- Thưa PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, được biết, việc tuyển sinh năm 2023 của Đại học Quốc gia Hà Nội về cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2022. Tuy nhiên, vẫn có những điểm mới. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những điểm mới này để thí sinh có thể nắm bắt?
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn: Hoạt động tuyển sinh năm 2023 của ĐH Quốc gia Hà Nội cơ bản không thay đổi nhiều so với năm 2022. Trước hết, về các phương thức xét tuyển nhìn chung ổn định.
Chúng tôi chỉ có một số điều chỉnh nhỏ, đó là năm nay, tỷ lệ chỉ tiêu cho phương thức sử dụng điểm thi Đánh giá năng lực có thể tăng lên (từ 20% tăng lên 30%). Bên cạnh đó, ĐH Quốc gia Hà Nội trong năm 2023 đã công nhận kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trong tuyển sinh và ngược lại.
Theo định hướng chung của ĐH Quốc gia Hà Nội, chúng tôi tiếp tục phát triển các ngành đào tạo mới, tập trung vào khối công nghệ và kỹ thuật cũng như các ngành về đổi mới sáng tạo, phù hợp với yêu cầu về hội nhập quốc tế để hoàn thiện cơ cấu đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Cụ thể, ĐH Quốc gia Hà Nội mở thêm 6 ngành mới ở trình độ đại học, gồm ngành Công nghệ thực phẩm và Sức khỏe của Trường ĐH Việt Nhật; ngành Kỹ thuật cơ điện tử của Trường ĐH Việt Nhật; ngành Sinh dược học của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên; ngành Môi trường, Sức khỏe và An toàn của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên; ngành Thiết kế sáng tạo của Khoa các Khoa học liên ngành; ngành Văn hóa và truyền thông xuyên quốc gia của Trường ĐH Ngoại ngữ.
Khi mở 6 ngành này, các trường đại học thành viên, các đơn vị đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội đã nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường cũng như nhu cầu phát triển của đất nước. Do đó, việc mở các ngành nghề mới chắc chắn đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Theo tôi, các ngành học mới sẽ có triển vọng cao trong việc thu hút thí sinh cũng như mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Năm nay, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng tiếp tục sử dụng chứng chỉ VSTEP (đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho người Việt Nam) của Trường ĐH Ngoại ngữ để xét tuyển vào trường này.
Thu hút nhiều sinh viên đăng ký vào các ngành khoa học cơ bản
- Được biết, từ năm học 2022 -2023, ĐH Quốc gia Hà Nội đã triển khai thí điểm các suất học bổng cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản. Sau 1 năm triển khai chính sách học bổng này, ông đánh giá như thế nào về tình hình tuyển sinh và đào tạo khối ngành khoa học cơ bản?
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn: Có thể nói, với xu hướng chung của xã hội hiện nay, các ngành khoa học cơ bản những năm gần đây gặp đôi chút khó khăn trong hoạt động tuyển sinh.
Nhận thức rõ điều này, với sứ mệnh là đại học hàng đầu của đất nước, đa ngành, đa lĩnh vực, tập trung vào khoa học cơ bản, ĐH Quốc gia Hà Nội đã có chính sách học bổng hỗ trợ cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản với 18 ngành, trong đó 9 ngành ở Trường ĐH Khoa học tự nhiên và 9 ngành ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Cụ thể:
Trường ĐH Khoa học Tự nhiên có 9 ngành: Tài năng Toán học, Tài năng Vật lý, Tài năng Hóa học, Tài năng Sinh học, Địa lý tự nhiên, Địa chất học, Tài nguyên và môi trường nước, Hải dương học, Công nghệ kỹ thuật hạt nhân.
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn có 9 ngành: (Hán Nôm, Lịch sử, Triết học, Tôn giáo học, Chính trị học, Nhân học, Việt Nam học, Ngôn ngữ học, Văn học.
Sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản sẽ được miễn học phí, miễn phí chỗ ở nội trú, ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và chương trình ươm tạo nhà khoa học, ưu tiên khi xét các học bổng khác và hỗ trợ sinh hoạt phí 20 triệu đồng/năm học.
Cùng với hoạt động tư vấn tuyển sinh tích cực của Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn, có thể nói, về cơ bản các ngành khoa học cơ bản của ĐH Quốc gia Hà Nội trong năm 2022 đã tuyển sinh được kết quả tương đối tốt, nhất là các ngành Toán học, Vật lý, Hóa học cũng như Lịch sử, Tôn giáo học, Việt Nam học. Bên cạnh đó, còn một số ngành như Địa chất học, Tài nguyên và môi trường nước, Hải dương học vẫn còn đôi chút khó khăn trong tuyển sinh.
Tuy nhiên nhìn chung, với chính sách hỗ trợ học bổng, số sinh viên đăng ký xét tuyển vào các ngành khoa học cơ bản của ĐH Quốc gia Hà Nội có sự thay đổi rõ rệt, chúng tôi bắt đầu thu hút được sinh viên có chất lượng vào học các ngành này.
- Ngoài học bổng dành cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản, ĐH Quốc gia Hà Nội còn có những chính sách học bổng nào khác cho sinh viên, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn: Có thể nói, chính sách học bổng cho sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội rất đa dạng. Ngoài các học bổng liên quan đến ngân sách Nhà nước cấp, chúng tôi còn có học bổng của các nhà tài trợ trong và ngoài nước cũng như học bổng từ cựu sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội.
Để có cơ hội giành được những suất học bổng này, tôi khuyên các em cần nỗ lực có kết quả học tập tốt, vì tất cả học bổng đều ưu tiên cho những bạn học tốt. Bên cạnh đó cũng có một số học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên để giành được học bổng này, kết quả thi đầu vào cũng như kết quả học tập của sinh viên phải đạt từ loại Khá trở lên.
Với học bổng chính sách của Nhà nước, tất nhiên nếu sinh viên thuộc nhóm đối tượng theo chính sách thì sẽ nhận học bổng.
Điểm chuẩn các trường thành viên ĐH Quốc gia Hà Nội có thể tăng hay giảm?
- Một vấn đề có lẽ được rất nhiều thí sinh quan tâm thời điểm này, sau khi Bộ GD-ĐT đã công bố điểm thi tốt nghiệp THPT cũng như phổ điểm: Ông đánh giá như thế nào về phổ điểm năm nay và có thể đưa ra dự báo điểm chuẩn vào các đơn vị đào tạo thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội?
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn: Theo phổ điểm Bộ GD-ĐT công bố ngày 18.7, có thể thấy điểm giỏi của các môn Toán, Lý, Hóa, Sử có giảm đôi chút so với năm 2022. Trong khi đó, ở các môn Sinh học, Văn học, Ngoại ngữ, điểm giỏi lại có xu hướng tăng nhẹ. Nói như vậy có nghĩa nhìn chung, phổ điểm các môn thi năm 2023 tương đối ổn định so với năm 2022.
Theo tôi, tùy vào ngành học, tùy cơ sở đào tạo mà điểm chuẩn vào các trường sẽ có thay đổi đôi chút so với điểm chuẩn năm trước. Chúng ta có thể nhìn vào phổ điểm để dự báo điểm chuẩn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng điểm chuẩn còn phụ thuộc vào một yếu tố nữa là số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển năm nay.
Với những dữ liệu đã có về phổ điểm Bộ GD-ĐT công bố, tôi dự đoán rằng các tổ hợp có sử dụng môn Toán, Lý, Hóa hoặc môn Sử để xét tuyển có thể giảm nhẹ so với năm 2022. Trong khi đó, tổ hợp sử dụng môn Ngoại ngữ, Ngữ văn với hệ số cao có thể tăng nhẹ.
Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh rằng đây là chỉ là dự báo vì điểm chuẩn còn phụ thuộc vào số lượng thí sinh đăng ký. Nếu số lượng thí sinh đăng ký cao, chắc chắn ở ngành đó điểm chuẩn sẽ tăng. Ngược lại, những ngành số lượng thí sinh đăng ký giảm xuống thì điểm chuẩn có thể giảm.
- Được biết, các đơn vị đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội đều là những cơ sở đào tạo hàng đầu trong từng lĩnh vực. Như vậy, trường hợp thí sinh đã trúng tuyển ở một trường trực thuộc có mong muốn học bằng kép sang một đơn vị đào tạo khác của ĐH Quốc gia Hà Nội, thí sinh cần đáp ứng những tiêu chí nào, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn: Đào tạo bằng kép là một sản phẩm rất đặc thù của ĐH Quốc gia Hà Nội. Theo đó, sinh viên trúng tuyển vào một ngành đào tạo, tại một cơ sở giáo dục của ĐH Quốc gia Hà Nội có cơ hội học thêm một ngành đào tạo khác, tại một trường khác thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc tại chính trường sinh viên đang học.
Theo Quy chế đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội, sinh viên sau khi hoàn thiện năm thứ nhất có thể đăng ký vào một ngành đào tạo thứ hai nếu ngành đó được tuyển sinh.
Điều kiện quy định hiện nay là sinh viên phải đạt điểm trung bình từ 2.5 trở lên trên thang điểm 4 ở ngành đào tạo thứ nhất. Trường hợp không đạt được điểm 2.5 theo quy định, sinh viên phải đáp ứng yêu cầu về điểm chuẩn trong năm tuyển sinh mà mình trúng tuyển. Như vậy, những sinh viên học lực Tốt hay Khá sẽ có rất nhiều cơ hội đăng ký học thêm ngành khác trong ĐH Quốc gia Hà Nội.
Những năm vừa qua, có rất nhiều sinh viên đã theo học bằng kép. Các em có thể là sinh viên khối ngành xã hội, khoa học tự nhiên, đăng ký học thêm một ngành ngoại ngữ để nâng cao khả năng ngoại ngữ của mình. Lại có nhiều sinh viên các ngành ngoại ngữ đăng ký học một số ngành trong các trường đại học thành viên khác để tăng kiến thức chuyên môn. Điều đó giúp sinh viên có năng lực tốt hơn, cơ hội nghề nghiệp tốt hơn sau khi tốt nghiệp, bởi bạn vừa giỏi về ngoại ngữ, vừa giỏi về chuyên môn.
- Xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn đã chia sẻ!