Thanh toán nhanh chóng, không cần tiền mặt
Để chuẩn bị cho tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt qua nền tảng Hue-S đầu tiên của tỉnh, từ tháng 5.2023, UBND TP. Huế cùng Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) và Công ty FPT Telecom đã triển khai quảng bá truyền thông, tập huấn, hỗ trợ các tiểu thương trên địa bàn kết nối thanh toán bằng Hue-S.
Tại mỗi cửa hàng trên tuyến phố đều dán mã QR cho phép quét mã thanh toán hàng hóa dịch vụ bằng Hue-S - ứng dụng đô thị thông minh có liên kết tài khoản Ví điện tử, hoặc với thẻ ATM của 40 ngân hàng trong nước và 4 tổ chức thẻ quốc tế là Visa, MasterCard, JCB và American Express.
Hiện tại, phố Hai Bà Trưng đã có 105 cửa hàng chấp nhận thanh toán với Hue-S, tương đương 80% các tiểu thương kinh doanh trên tuyến phố. Mục tiêu của phường Vĩnh Ninh đặt ra là 100% cửa hàng trên tuyến phố này chấp nhận thanh toán với Hue-S và duy trì hoạt động này thường xuyên.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế Trương Đình Hạnh thông tin, việc triển khai tuyến phố không dùng tiền mặt qua nền tảng Hue-S là một chủ trương của tỉnh nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng ví điện tử trên Hue-S để thực hiện các giao dịch thanh toán, mua sắm, chi tiêu. Phố đi bộ Hai Bà Trưng là địa điểm thích hợp để trở thành tuyến phố không tiền mặt đầu tiên, làm tiền đề để nhân rộng, triển khai ở các khu phố khác nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung.
Hiện nay mô hình “Tuyến phố không dùng tiền mặt qua nền tảng Hue-S” đã và đang được các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại phố đi bộ Hai Bà Trưng tích cực quan tâm và ủng hộ.
Thanh toán không tiền mặt trở thành xu hướng
Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế cũng kỳ vọng sẽ không chỉ có 1 ngày, 1 tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt mà xu hướng này sẽ lan rộng ra toàn tỉnh và trở thành thói quen hàng ngày. Bất cứ ngày nào người dân cũng có thể sử dụng hình thức thanh toán bằng Ví điện tử trên Hue-S để mua sắm, thanh toán cho các dịch vụ, sản phẩm và tiện ích thiết yếu.
Hue-S là ứng dụng trên nền di động đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tích hợp, cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với Cổng thông tin dịch vụ đô thị thông minh. Trên ứng dụng này, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa vào vận hành nhiều dịch vụ đô thị thông minh cho người dân như: dịch vụ phản ánh hiện trường, dịch vụ thông tin cảnh báo, dịch vụ giám sát đô thị thông qua cảm biến camera; dịch vụ giám sát hồ đập, môi trường, dịch vụ giám sát tàu cá...
Mới đây, Hue-S cũng được tích hợp dữ liệu vị trí nhà vệ sinh cộng đồng, miễn phí để hỗ trợ người dân, du khách dễ dàng tiếp cận, sử dụng.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, thanh toán không tiền mặt là một nét văn hóa tiêu dùng trong xu thế mới; từ mô hình này sẽ làm tiền đề để nhân rộng, triển khai ở các khu phố khác nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung.
Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt: Kế hoạch số 164/KH-UBND ngày 21.4.2022 về triển khai Đề án thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2025; Công văn số 10587/UBND-DL ngày 5.10.2022 về việc triển khai giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; Công văn số 12418/UBND-DL ngày 22.11.2022 về việc triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Ra mắt từ tháng 10.2022, Ví điện tử trên Hue-S là giải pháp thanh toán số liền mạch cho phép người dân chỉ với ứng dụng đô thị thông minh đang sử dụng lâu nay có thể thanh toán các dịch vụ tiện ích kết nối với Hue-S như dịch vụ công, học phí, nước, vệ sinh môi trường và các dịch vụ ngoài app như viện phí, thanh toán với mã QR tại hơn 200.000 cửa hàng trên toàn quốc… Đến nay đã có hơn 35.000 tài khoản và hơn 600 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn tỉnh.